Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Không có mẫu chung cho chuyển đổi số
Hồng Phúc - 27/10/2020 14:36
 
Giải pháp chuyển đổi số, hệ thống công nghệ áp dụng cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp phụ thuộc vào điều kiện và chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp.
.
.

Chọn giải pháp chỉ là phần ngọn

Tiên phong triển khai hệ thống ERP (Enterprise resource planning - hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) tại các doanh nghiệp từ năm 2000, từng đảm nhiệm vị trí giám đốc dự án ERP tại hơn 35 dự án, ông Nguyễn Công Tẩn, sáng lập, kiêm CEO Công ty cổ phần Công nghệ Citek đánh giá, thị trường ERP nội địa đang dần “chín”.

ERP là công cụ quan trọng, là nền tảng đảm bảo sự thành công của quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nên nhu cầu áp dụng ERP đã trở thành xu hướng tất yếu.

Theo ông Tẩn, trợ lực phát triển thị trường ERP còn đến từ nguồn nhân lực chất lượng cao, tự tin xây dựng được các hệ thống phức tạp cũng như có trải nghiệm về ngành cụ thể. Chính vì vậy, vấn đề của các doanh nghiệp hiện nay không còn là việc xác định có nên áp dụng ERP hay không, mà là chọn giải pháp nào dựa trên khả năng xác định lại chiến lược kinh doanh.

“Nhưng, nếu cứ suy nghĩ chọn giải pháp gì, công nghệ nào để từng bước chuyển đổi số, thì chúng ta chỉ đang nhìn vào phần ngọn của vấn đề, trong khi cái gốc cần tìm ra là xác định đúng mục tiêu, chiến lược kinh doanh, tùy đặc thù của doanh nghiệp”, ông Tẩn nhấn mạnh.

Chuỗi cung ứng thường có nhiều công đoạn. Nếu doanh nghiệp chọn cách tự phân phối, họ chỉ tiếp cận một lượng khách hàng hữu hạn, còn nếu qua nhiều cấp trung gian, thì có ưu điểm là tiếp cận lượng khách hàng lớn hơn, nhưng lại có nhược điểm là “thông tin bị gián đoạn, tam sao thất bản”.

Về nhược điểm “tam sao thất bản” này, ông Ngô Anh Ngọc, CEO Công ty cổ phần Tư vấn doanh nghiệp Babuki cho biết, hiện tượng “cái roi da” thường xuất hiện trong chuỗi cung ứng. Tức là, lượng đơn đặt hàng mà các nhà sản xuất nhận được lớn hơn nhiều so với nhu cầu thực tế của khách hàng tại điểm bán.

“Hậu quả là, doanh nghiệp sản xuất (hoặc nhập khẩu) quá nhiều, dẫn đến tồn kho, buộc phải tìm cách đẩy hàng, hoặc căng thẳng với nhà phân phối”, ông Ngọc chia sẻ. Lời khuyên của chuyên gia này dành cho các doanh nghiệp là, khi bắt đầu hành trình chuyển đổi số, trước hết, lãnh đạo doanh nghiệp cần hiểu rõ định hướng phát triển, nguồn lực hiện có cũng như quyết tâm triển khai như thế nào trong từng giai đoạn để chọn giải pháp phù hợp, chứ không thể áp chung một khuôn mẫu như các doanh nghiệp khác.

Dữ liệu cần được “giao tiếp” với nhau

Một trong những câu hỏi thường được doanh nghiệp đặt ra khi tiến hành chuyển đổi số là có nên tích hợp các giải pháp, triển khai song song cả hệ thống cũ và hệ thống mới hay không.

Theo bà Bùi Ngọc Tú Thanh, CEO Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ IPI, dữ liệu phát sinh từ giải pháp công nghệ nào cũng cần được “giao tiếp” với nhau, dựa vào việc định hình quy tắc dữ liệu từ lãnh đạo doanh nghiệp.

Khi áp dụng giải pháp của các bên cung cấp, doanh nghiệp cần đề nghị họ đảm bảo nguồn thông tin từ đâu, nội dung thông tin cụ thể, người truy cập vào hệ thống, ngày/giờ truy cập… để khi có bất kỳ vấn đề gì xảy ra, các bên cung cấp có thể phối hợp giải quyết và không thể từ chối trách nhiệm, nếu không, doanh nghiệp áp dụng giải pháp công nghệ sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên.

Quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp không thể hoàn thiện chỉ với một dự án đơn lẻ, mà bao gồm nhiều dự án số hóa khác nhau. Mỗi giải pháp, theo ông Nguyễn Công Tẩn, đều có một phương pháp luận khác nhau, nhằm giải quyết trở ngại mà doanh nghiệp đang vấp phải.

“Phương pháp luận của các giải pháp công nghệ mà Citek cung cấp là không tuyển người mới để vận hành hệ thống, vì họ không hiểu về nghiệp vụ cũng như không có kinh nghiệm. Chúng tôi không bao giờ tư vấn doanh nghiệp chạy song song hai hệ thống cũ và mới”, CEO Citek nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Tú Thanh lại có quan điểm khác. Theo bà, khi doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số, dù chuyển đổi từ một hệ thống cũ đang vận hành trơn tru hay áp dụng hệ thống mới, đều cần những nhân sự được huấn luyện, với tư duy mới. Họ có thể là một đội ngũ riêng được tuyển dụng mới, hoặc được chọn ra từ đội ngũ nhân sự sẵn có của doanh nghiệp. Đặc biệt, cấp lãnh đạo cũng cần được đào tạo để có góc nhìn mới và linh hoạt hơn.

“Tùy theo nguồn lực của mình mà doanh nghiệp có thể chọn chạy song song 2 hệ thống mới và cũ, hay tách riêng để thử nghiệm từng phần, toàn phần, từng vùng rồi đến toàn bộ. Khi hoạt động với hệ thống mới đạt kết quả như kỳ vọng, có thể ngừng hệ thống cũ”, bà Tú Thanh chia sẻ.

Sau khi định hình rõ ràng chiến lược kinh doanh dài hạn, ban lãnh đạo doanh nghiệp sẽ biết được, họ thực sự cần dữ liệu gì để phục vụ hoạt động nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra. Sau đó mới đến khâu tổ chức lực lượng nhân sự, lựa chọn giải pháp công nghệ thích hợp.

Các điểm nêu trên là yếu tố then chốt khi doanh nghiệp
lựa chọn và triển khai giải pháp chuyển đổi số, đặc biệt là khi áp dụng vào chuỗi cung ứng nhằm rút ngắn thời gian đưa sản phẩm đến tay khách hàng nhờ việc tối ưu hóa tuyến đường, kiểm soát đơn hàng theo thời gian thực.

Ông Nguyễn Công Tẩn, Sáng lập, kiêm CEO Công ty cổ phần Công nghệ Citek

Hai giải pháp công nghệ Make in Vietnam được trao giải Chuyển đổi số
Hai giải pháp "Bản quyền nội dung số Sigma DRM" và "Truyền dẫn độ trễ thấp Sigma Low-Latency" do Thudo Multimedia phát triển được trao Giải thưởng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư