Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
"Không để bị tác động bởi bất cứ lợi ích nhóm nào trong xây dựng luật"
Nguyễn Lê - 12/09/2024 15:54
 
Chủ tịch Quốc hội đề nghị siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi bất cứ một lợi ích nhóm cục bộ nào.
.
Phiên họp sáng 12/9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

“Xây dựng pháp luật cũng có tiêu cực chứ không phải không có mà chúng ta chưa phát hiện, chưa kiểm tra để xử lý”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định.

Trong phiên họp thứ 37, sáng 12/9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 178 ngày 27/6/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật.

“Xây dựng pháp luật cũng có tiêu cực chứ không phải không có mà chúng ta chưa phát hiện, chưa kiểm tra để xử lý, có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật”. Nhấn mạnh điều này, ông Mẫn đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu để tăng cường kiểm soát, kiểm tra, “chứ bây giờ xây dựng pháp luật ngành nào thì cũng muốn đưa lợi ích của ngành mình vào để quản lý, kiểm tra”.

Ông Mẫn lưu ý, văn bản quy phạm pháp luật phải làm tốt từng khâu, từng đoạn, đạt yêu cầu về chất lượng, không chạy theo số lượng, lấy quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm. “Chúng ta siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi bất cứ một lợi ích nhóm cục bộ nào trong xây dựng pháp luật”, ông Mẫn phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ gác cửa, tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản vi phạm pháp luật, không ngừng nâng cao chất lượng các dự án luật.

Ngoài ra, ông Mẫn cũng yêu cầu làm rõ phương án để xử lý tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật gắn với trách nhiệm ban hành nợ văn bản với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan.

Phải đổi mới trong việc triển khai và kiểm tra thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội một cách tới nơi, tới chốn, chỗ nào làm tốt, chỗ nào làm chưa tốt, làm tốt thì phải có biểu dương, khen thưởng kịp thời, chỗ nào làm chưa tốt phải có phê bình, có kiểm điểm trong việc thi hành pháp luật, theo Chủ tịch Quốc hội.

Từ xưa đến nay cũng chưa xử lý một cơ quan nào chậm ban hành văn bản, ông Mẫn nói.

Nêu rõ có 10 luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, Chủ tịch Quốc hội cho biết đến giờ cũng còn thiếu một số nghị định, thông tư. Luật Đất đai còn thiếu 2 nghị định, Luật Nhà ở còn thiếu một thông tư, Luật Kinh doanh bất động sản còn thiếu một thông tư và hiện nay mới có 12/63 tỉnh, thành phố ban hành hướng dẫn, như thế, theo ông Mẫn là rất chậm.

“Chỉ đạo mới bây giờ của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt là hết sức quyết liệt, quyết tâm, làm sao xử lý những vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan tới công tác xây dựng pháp luật. Đồng chí nào cũng nói quan tâm tới thể chế mà quan tâm ở đâu, như thế nào thì chúng ta phải rõ ràng, cụ thể thì mới xử lý được”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề với tân Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đang có mặt tại phiên họp.

Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nói công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo báo cáo năm 2023 tổng số văn bản đã được rà soát rất lớn, hơn 33.000 văn bản, tăng 3.943 văn bản so với năm 2022. Tổng số văn bản đã xử lý sau rà soát là trên 5.000 văn bản, tăng 938 văn bản so với năm 2022.

“Tuy nhiên, trong kỳ báo cáo, qua kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đối với 2.948 văn bản đã phát hiện, kết luận kiến nghị xử lý 138 văn bản có quy định trái pháp luật về thẩm quyền và nội dung. Kết quả này cho thấy số lượng văn bản có quy định trái pháp luật vẫn chiếm tỷ lệ cao, nhưng đến nay mới chỉ xử lý được 80/138 văn bản, số văn bản chưa được xử lý là 58 văn bản. Chúng tôi đề nghị Chính phủ nêu rõ nguyên nhân đến nay còn 58/138 văn bản trái pháp luật chưa được xử lý”, bà Nga nêu quan điểm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư