Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Không điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội
Nguyên Đức - 02/07/2014 07:15
 
() Khả năng không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP lại được đặt ra, nhưng Chính phủ sẽ không điều chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Kinh tế 6 tháng: Thoát đáy trong thách thức
Thủ tướng: Nỗ lực cao nhất đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ Quốc
Tín dụng ngoại tệ tăng 10% không đáng lo
Nửa năm đã nhập siêu 13,1 tỷ USD từ Trung Quốc

Đó là điều đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2014, diễn ra trong 2 ngày 30/6 - 1/7.

  Không điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội  
  Những diễn biến ở Biển Đông đã bước đầu tác động đến hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Đức Thanh  

“Phải quyết tâm, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã được đề ra từ đầu năm 2014 trên tinh thần không điều chỉnh các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được đề ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, GDP 6 tháng đầu năm ước tăng 5,18%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (4,9%), với mức tăng trưởng khá cao của cả 3 khu vực: nông - lâm nghiệp và thủy sản (tăng 2,96%); công nghiệp và xây dựng (5,33%); dịch vụ (6,01%).

“Mặc dù chịu những ảnh hưởng nhất định từ việc gây rối, phá hoại tài sản của doanh nghiệp trong tháng 5, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phục hồi và đang dần lấy lại đà tăng trưởng”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định.

Tín hiệu tích cực của nền kinh tế, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, còn được nhìn nhận ở việc lạm phát sau 6 tháng chỉ ở mức 1,38% - mức thấp nhất trong vòng 13 năm; xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao (ước đạt 70,88 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước), tiếp tục có xuất siêu (1,32 tỷ USD); sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến - chế tạo, tiếp tục phục hồi và có những chuyển biến tích cực, với tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của công nghiệp chế biến - chế tạo, với IIP quý I tăng 7,3%, quý II tăng 8,3% - cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (tương ứng tăng 5% và 5,5%)...

Tuy nhiên, một điều khá rõ ràng là, đằng sau những tín hiệu tích cực này, vẫn còn nhiều chỉ số cho thấy, nền kinh tế đang đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức. Điều dễ nhận thấy nhất là số lượng doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục tăng. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, có khoảng 33.500 doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, số doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn, ngừng hoạt động nay trở lại hoạt động lại giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2013, chỉ đạt khoảng 8.300 doanh nghiệp.

Một con số khác khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại là, tính đến ngày 20/6/2014, dư nợ tín dụng chỉ tăng 2,02%. “Vốn vẫn chưa đưa ra được nền kinh tế, đâu đó vẫn nằm trong hệ thống ngân hàng và nếu như vậy, chưa thể kỳ vọng sản xuất - kinh doanh phục hồi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế nói.

Cùng với đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do tác động xấu của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại Biển Đông và việc gây rối tại một số doanh nghiệp ở một số địa phương, nên hoạt động xuất khẩu đã bị ảnh hưởng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 và tháng 6 ước giảm lần lượt 5,28% và 2,5% so với tháng trước đó; trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm lần lượt là 6,9% và 2,5%.

Tuy đến nay, tình hình xuất nhập khẩu đã dần trở lại bình thường, song các chuyên gia kinh tế vẫn không khỏi quan ngại về những ảnh hưởng của sự kiện Biển Đông tới thương mại hai nước, cũng như kinh tế - xã hội nói chung của Việt Nam.

“Trong hơn một tháng qua, đã có sự giảm nhẹ về kim ngạch xuất nhập khẩu một số mặt hàng. Điều này tuy chưa nói lên nhiều về mức độ ảnh hưởng, song nếu thời gian tới, Trung Quốc có những động thái tác động đến chính sách thương mại của họ, thì sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam”, lãnh đạo Tổng cục Thống kê bình luận.

Những tác động của tình hình Biển Đông đối với kinh tế - xã hội Việt Nam cũng là một trong những chủ đề được đề cập nhiều tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2014. Không ít ý kiến bày tỏ sự lo ngại về vấn đề này. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, dù việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông và sự cố gây rối tại một số doanh nghiệp ở một số địa phương, trong đó có doanh nghiệp FDI, đã có những ảnh hưởng nhất định đến sản xuất - kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực, song những ảnh hưởng tiêu cực đó là “không lớn và chỉ mang tính ngắn hạn”.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng thẳng thắn thừa nhận, kinh tế - xã hội đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. “Nếu chúng ta không quyết tâm cao, không triển khai thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt, cùng với những ảnh hưởng xấu từ diễn biến ngoài Biển Đông tác động đến quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì tăng trưởng GDP năm 2014 chỉ có thể đạt khoảng 5,25%”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Tất nhiên, đó là phương án kém lạc quan nhất. Còn nếu nhìn vào những diễn biến trong hiện tại của nền kinh tế, với quyết tâm triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, năm 2014, “hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8%”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư