Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Không đưa tiền mệnh giá nhỏ vào lưu thông dịp Tết
Thùy Vinh - 23/01/2019 08:38
 
Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán 2019.
TIN LIÊN QUAN
.
.

Hạn chế tiền mệnh giá nhỏ ra thị trường

Nhằm hạn chế tiêu cực và tiết giảm chi phí cho ngân sách nhà nước, trong dịp Tết Nguyên đán 2019, NHNN tiếp tục chủ trương không đưa các loại tiền mệnh giá nhỏ ra thị trường. Cụ thể, không đưa tiền mới in mệnh giá 5.000 đồng trở xuống ra lưu thông như các năm trước đây. Đồng thời, Tết năm nay, lần đầu tiên, không đưa ra lưu thông loại tiền 10.000 đồng in mới. Việc này giúp tiết kiệm chi phí hàng trăm tỷ đồng.

Theo ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ (NHNN), dù không đưa lượng tiền mới in ra thị trường, nhưng tổng lượng tiền lẻ cung ứng cho dịp Tết Kỷ Hợi dự kiến tăng 25%, bao gồm cả tiền mới in và tiền mệnh giá nhỏ đã qua lưu thông, đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế.

Thông thường, vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền mới in mệnh giá nhỏ của người dân vẫn rất lớn cho những nhu cầu như mừng tuổi, lễ hội, đền chùa…, làm nảy sinh những hiện tượng tiêu cực ngoài xã hội liên quan đến tích lũy, đổi tiền hưởng chênh lệch phí rất cao mà thời gian qua báo chí, truyền thông đã phản ánh.

Trong khi các ngân hàng giới hạn việc đổi tiền lẻ, tiền mới in, thì giao dịch ngoài thị trường lại diễn ra khá sôi động, càng tới thời điểm cận Tết càng “nóng”. Mức phí giao dịch cũng khá đa dạng. Tuy không còn hoạt động công khai như trước, nhưng các đối tượng tham gia kinh doanh luôn sẵn sàng mời chào khách đổi tiền.

Lãnh đạo Cục Phát hành và Kho quỹ cũng cho biết, trong năm vừa qua, dự trữ tiền mặt cả nước tăng thêm 25%. Đặc biệt, với tiền mệnh giá nhỏ dưới 10.000 đồng, NHNN đã phát hành thêm hơn 12% so với năm 2017. Trong kế hoạch điều hòa tiền mặt dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, dự kiến lượng tiền mặt tăng thêm 25% (gồm cả tiền mới và tiền mệnh giá nhỏ đã qua lưu thông), nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, ngân hàng và người tiêu dùng.

Tiết kiệm chi phí hàng ngàn tỷ đồng

Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ (NHNN) cho biết, việc thực hiện chủ trương không đưa tiền nhỏ lẻ mới in từ 5.000 đồng trở xuống ra lưu thông vào dịp Tết Nguyên đán trong 5 năm qua (từ năm 2013 đến nay) đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của một bộ phận dân cư đã thay đổi, văn hóa sử dụng tiền lẻ trong các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng được nâng cao; lao động xã hội và lao động ngành ngân hàng trong các khâu đổi tiền (vận chuyển, bảo quản, kiểm đếm…) đã giảm bớt, qua đó giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng; giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng tiền Việt Nam được giữ gìn.

Việc không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống ra lưu thông dự kiến tiết kiệm cho ngân sách khoảng 390 tỷ đồng.

Dịp Tết Kỷ Hợi, việc thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống ra lưu thông dự kiến tiết kiệm cho ngân sách khoảng 390 tỷ đồng. Từ khi thực hiện chủ trương này đến nay đã tiết kiệm 2.600 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo NHNN, về công tác đảm bảo nhu cầu tiền mặt dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán 2019, NHNN đã chủ động xây dựng các phương án cung ứng tiền mặt, lên kế hoạch và thực hiện điều chuyển tiền từ Trung ương đến NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhằm nâng cao dự trữ, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế trong dịp cuối năm và giáp Tết Nguyên đán. Từ nay đến giáp Tết, NHNN theo dõi sát diễn biến tình hình tiền mặt tại từng địa phương, tập trung nguồn lực ở mức cao nhất để điều chuyển bổ sung dự trữ, kịp thời ứng phó nhu cầu bất thường. Với số lượng dự trữ hiện nay, NHNN đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt cho lưu thông cả về giá trị lẫn cơ cấu mệnh giá.

Mặt khác, NHNN khẳng định, công tác đảm bảo chất lượng, an toàn, thông suốt các giao dịch ATM, hệ thống thanh toán và đảm bảo nhu cầu tiền mặt dịp cuối năm được NHNN đặc biệt quan tâm. NHNN thường xuyên theo dõi, giám sát để kịp thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại về chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, hoạt động của hệ thống ATM.

Cuối năm 2018, NHNN đã có các văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán vào dịp cuối năm và Tết Kỷ Hợi 2019, trong đó, đặc biệt yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời, có các biện pháp phù hợp nhằm giảm tải cho ATM, bảo đảm hoạt động của hệ thống ATM thông suốt, ổn định và an toàn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư