Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Không lấy phiếu tín nhiệm với ông Vương Đình Huệ
Mạnh Bôn - 17/05/2013 16:06
 
Tại cuộc họp báo giới thiệu chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội xác nhận, tại Kỳ họp này sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với ông Vương Đình Huệ.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Theo dự kiến, bắt đầu từ 9 giờ sáng ngày 11/6/2013, Quốc hội sẽ tiến hành các thủ tục và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội và các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ; Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước.

Trước đó, vào ngày 24/5/2013, Quốc hội sẽ xem xét về công tác nhân sự của Chính phủ, trong đó có việc miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ và bầu Bộ trưởng Bộ Tài chính.

“Như vậy, khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm thì ông Vương Đình Huệ (nếu được Quốc hội miễn nhiệm) sẽ không thuộc đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm nữa. Bộ trưởng Bộ Tài chính do vừa được bầu, mới nhậm chức nên cũng không được lấy phiếu tín nhiệm”, ông Phúc cho biết.

Theo Nghị quyết 35/2012/QH13 việc lấy phiếu tín nhiệm thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức người không được tín nhiệm.

“Đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ”, ông Phúc giải thích.

Trả lời câu hỏi của các cơ quan thông tin đại chúng liên quan đến mức độ khách quan, chính xác trong việc đánh giá cán bộ cao cấp thông qua mỗi lá phiếu đánh giá mức độ tín nhiệm của đại biểu Quốc hội, ông Phúc cho biết, để cung cấp đầy đủ thông tin cho đại biểu Quốc hội, những người được lấy phiếu tín nhiệm đợt này đã có báo cáo bằng văn bản gửi tới từng đại biểu Quốc hội trước 20 ngày khai mạc Kỳ họp thứ 5.

“Trong báo cáo này, những người được lấy phiếu tín nhiệm phải giải trình kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của mình trong năm trước đó. Nếu đại biểu Quốc hội nào đó muốn người được lấy phiếu tín nhiệm làm rõ hơn những nội dung này thì trước khi lấy phiếu tín nhiệm 10 ngày vẫn có thể yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm giải trình bằng văn bản”, ông Phúc cho biết.

Vẫn theo ông Phúc, ngoài “bản cáo bạch” của người được lấy phiếu tín nhiệm, để bảo đảm tính khách quan, trung thực khi đánh giá cán bộ cao cấp, các đại biểu Quốc hội còn “thu thập thông tin” về từng người được lấy phiếu tín nhiệm qua kết quả giám sát của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội đối với từng lĩnh vực mà các đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm được giao phụ trách trong thời gian hơn 1 năm trở lại đây.

Ngoài ra, ý kiến của cử tri cũng là những thông tin vô cùng quan trọng giúp đại biểu Quốc hội có đánh giá công tâm, khách quan đối với từng đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm.

“Nếu người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; nếu có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm và có thể bãi nhiệm chức danh nếu không đủ số phiếu tín nhiệm”, ông Phúc giải thích.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư