Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Không lo “lạm phát” tổng biên tập
Mạnh Bôn - 15/11/2015 08:49
 
Theo Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi sẽ được Quốc hội thảo luận vào ngày mai (14/11/2015), thì một cơ quan báo chí có thể có nhiều tổng biên tập. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Đại biểu Quốc hội Hà Minh Huệ không quá băn khoăn trước khả năng “lạm phát” chức danh tổng biên tập.
.
Đại biểu Quốc hội Hà Minh Huệ

Xã hội đã quen với khái niệm tổng biên tập là người đứng đầu cơ quan báo chí. Vì sao Dự thảo Luật Báo chí lại quy định, tổng biên tập có thể không phải là người đứng đầu cơ quan báo chí?

Theo Luật Báo chí hiện hành, người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng biên tập (riêng đối với Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, người đứng đầu là tổng giám đốc). Người đứng đầu lãnh đạo và quản lý cơ quan báo chí về mọi mặt, bảo đảm thực hiện tôn chỉ, mục đích và chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan chủ quản và trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của báo chí, nhiều cơ quan báo chí cùng lúc phát hành nhiều ấn phẩm, nhiều loại hình báo chí, cả báo in, báo mạng, báo nói và truyền hình, nên tổng biên tập khó có thể quản lý, bao quát được toàn bộ nội dung của các ấn phẩm chí, bởi vậy, Dự thảo Luật Báo chí đã tách ra theo hướng, người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc, giám đốc, còn tổng biên tập không phải là người đứng đầu, mà chỉ chịu trách nhiệm trước tổng giám đốc, giám đốc cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản và trước pháp luật về nội dung thông tin đăng tải, phát sóng trên các ấn phẩm, chương trình phát thanh, truyền hình, báo điện tử do mình phụ trách.

Do không phải là người đứng đầu nên tiêu chuẩn bổ nhiệm tổng/phó tổng biên tập chắc cũng không quá khắt khe?

Thay vì lãnh đạo cơ quan chủ quản bổ nhiệm, miễn nhiệm tổng/phó tổng biên tập sau khi có sự thống nhất ý kiến bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông như hiện nay, thì chức danh tổng/phó tổng biên tập sẽ giao cho người đứng đầu cơ quan báo chí bổ nhiệm, miễn nhiệm, nhưng vẫn phải có sự thống nhất ý kiến bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Báo chí được xác định là cơ quan tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng, thực hiện và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội... Vì thế, tiêu chuẩn của chức danh tổng biên tập không kém chức danh người đứng đầu cơ quan báo chí, như phải có trình độ đại học trở lên, có nghiệp vụ báo chí, có trình độ lý luận chính trị cao cấp, có thẻ nhà báo (trừ trường hợp cơ quan báo chí thuộc các tổ chức tôn giáo), đã từng giữ chức vụ trưởng/phó phòng, ban hoạt động nghiệp vụ báo chí...

Ông có băn khoăn khi mà xã hội “lạm phát” tổng/phó tổng biên tập không?

Để có được bản dự thảo lần thứ 18 trình ra Quốc hội, Dự thảo Luật Báo chí đã trải qua rất nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến với thời gian khá dài, có lẽ là một trong những luật có thời gian chuẩn bị lâu nhất. Một nội dung mà các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí, chuyên gia về báo chí tập trung thảo luận nhiều nhất, đó là việc tách chức danh người đứng đầu và tổng biên tập.

Theo tôi, điều này là cần thiết để quản lý, vì một ông tổng biên tập hiện nay của một cơ quan báo chí có hàng chục ấn phẩm thì không thể đọc duyệt hết bài vở, khi xảy ra sai sót mà quy trách nhiệm cho họ thì không phải. Bởi thế, trong một cơ quan báo chí lớn, với nhiều ấn phẩm thì cần có nhiều tổng biên tập, mỗi tổng biên tập phụ trách một ấn phẩm, để hễ có sai sót là có thể quy trách nhiệm được ngay, tránh việc quanh co, đổ lỗi.

Nhưng mọi việc sẽ trở nên phức tạp khi mà một cơ quan báo chí có thể ra nhiều ấn phẩm, ít nhất cũng “đẻ” ra website và gọi là báo điện tử. Bằng cách này, một cơ quan báo chí 20-30 người cũng sẽ có “một cơ số” tổng/phó tổng biên tập?

Chính vì vậy, theo tôi, cần quy định ngay trong luật là chỉ có cơ quan báo chí đa phương tiện hoặc có nhiều ấn phẩm báo in phát hành bao nhiêu ấn phẩm/tháng và báo điện tử thì mới phân chức năng người đứng đầu cơ quan báo chí thành giám đốc và tổng biên tập, các cơ quan báo chí khác thì giám đốc đồng thời là tổng biên tập.

Nếu quy định như vậy thì không lo “lạm phát” chức danh báo chí. Bởi như tôi đã nói, để duy trì một tờ báo, nhất là báo điện tử trong bối cảnh cạnh tranh về thông tin, quảng cáo, phát hành như hiện nay là vô cùng khó khăn, nên không ngại cơ quan báo chí nào đó lập ra một ấn phẩm phát hành 1-2 tháng/kỳ, mỗi kỳ vài ngàn bản chỉ cốt có nhiều chức danh báo chí để làm việc khác là chính, chứ không phải hoạt động báo chí.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư