Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Không thể biện minh nếu chậm cổ phần hóa, thoái vốn
Bảo Duy - 17/03/2018 07:20
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (DN) và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN.

Nhiều vướng mắc trước đó được cho là làm chậm kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước của những năm trước đã được gỡ theo đúng những tín hiệu của thị trường. Nói cách khác, trong năm 2018, bất cứ sự đình trệ, lúng túng nào trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DN thuộc diện này có thể coi là lỗi cố tình không thực hiện của lãnh đạo DN.

Phải nhắc tới những vướng mắc đã được giải tỏa. Đó là giá khởi điểm sẽ phải tính thêm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ (nếu có) của DN khác theo quy định của pháp luật.

.
.

Đó là quy định rõ về các phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn của DN nhà nước đầu tư tại DN khác; bổ sung quy định về xử lý chi phí chuyển nhượng khi không bán được; về trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước trong thu cổ tức, lợi nhuận được chia vào ngân sách nhà nước...

Như vậy, cùng với hàng loạt khúc mắc mà Nghị định 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DN nhà nước và công ty TNHH một thành viên do DN nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần có hiệu lực từ đầu năm 2018 đã giải quyết, thì những lổ hổng pháp lý trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn DN nhà nước đã được khỏa lấp.

Đặc biệt, tất cả thông tin của quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DN đều được yêu cầu công khai, minh bạch. Như vậy, nỗi lo lâu nay về việc nhà đầu tư lợi dụng sơ hở trong cổ phần hóa để chiếm dụng các khu đất vàng sẽ được kiểm soát…

Tất nhiên, việc thực thi các quy định mới này không phải đơn giản. Các DN cổ phần hóa năm 2018 và những năm tiếp theo sẽ phải thực hiện ngay việc rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN cổ phần hóa. Lâu nay, phần việc khó này thường bị treo lại để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, nên có thể sẽ phát sinh khá nhiều việc và cần không ít thời gian.

Các vấn đề về tài chính, lao động trước khi cổ phần hóa theo quy định, xác định thời điểm định giá trị DN, công bố giá trị DN, phê duyệt phương án cổ phần hóa và bán cổ phần lần đầu ra công chúng dù được quy định cởi mở, trao quyền tự chủ cho DN, nhưng phải tuân theo các nguyên tắc về công khai, theo đúng quy trình đã công bố, nên không thể làm qua loa.

Hơn thế, Theo Quyết định số 991/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 sẽ có 64 DN cổ phần hóa. Trong đó, có một số tổng công ty có giá trị vốn rất lớn như Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Phát điện 1, 2; Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị; Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội...

Bên cạnh đó, lượng “hàng tồn kho” từ kế hoạch được phê duyệt trong giai đoạn 2011 - 2016 và năm 2017 chuyển sang còn nhiều, tới 25 DN, khiến kế hoạch nặng nề hơn.

Tương tự, với thoái vốn, theo Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 sẽ thực hiện thoái vốn tại 181 DN, nghĩa là mỗi tháng phải thoái vốn tại hơn 15 DN, chưa kể số lượng DN thoái vốn tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện theo kế hoạch riêng.

Nhưng đến thời điểm này, khi chỉ còn 2 năm nữa phải hoàn tất toàn bộ kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN, khi cơ sở pháp lý đã được hoàn thiện, thì không có bất cứ lý do gì để chần chừ.

Đợt thoái vốn khủng của “ông lớn” đường sắt
Sau thời gian dài ế ẩm, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hy vọng sẽ thoái toàn bộ vốn góp tại 15 công ty thành viên, công ty liên kết ngay trong năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư