Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Đánh giá khả năng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp Việt Nam
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền được lựa chọn là mô hình điểm để nghiên cứu
Hạ An - 27/10/2021 10:56
 
Viện Sức khoẻ và Môi trường vì cộng đồng phối hợp với Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền tổ chức Hội thảo Đánh giá khả năng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong Khu công nghiệp Việt Nam.

"Đánh giá khả năng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp Việt Nam" là đề tài nghiên cứu khoa học do Viện Sức khoẻ & Môi trường vì cộng đồng (IOHEC) thực hiện. Thực hiện đề tài, Viện đã lựa chọn Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền là mô hình điểm để nghiên cứu.

Chia sẻ tại buổi hội thảo, ông Trần Xuân Việt, Phó trưởng ban Ban Khoa học, công nghệ và môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - Vusta) khẳng định: Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, tối thiểu hóa chất thải đầu ra của nền kinh tế cần hướng đến mục tiêu tất cả các luồng vật liệu đã qua sử dụng đều được quay vòng trở lại thành đầu vào của quá trình sản xuất. Như vậy, kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền được xây dựng theo mô hình sinh thái, rất thu hút nhà đầu tư.
Sau 13 năm xây dựng, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã đạt hơn 80% tiêu chí của Nghị định 82/2018/NĐ-CP.

Nhưng đến nay, Việt Nam chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn mang đầy đủ nội hàm. Nhưng xét theo mục tiêu, nội dung thì đã có những mô hình hay phương thức kinh doanh mang những biểu hiện của mô hình này rất sớm. Việc hình thành các khu công nghiệp sinh thái cũng đang là một dạng biểu hiện của mô hình kinh tế tuần hoàn.

Song, mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam vẫn còn rất mới so với nhiều nước phát triển. Theo PGS. TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Ngân sách Quốc hội, để áp dụng tốt hơn mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp, hình thành các khu công nghiệp sinh thái thì cần có nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể từ phía nhà nước, từ phía các cơ quan quản lý, các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp trong và ngoài khu sinh thái, các chuyên gia và các nhà khoa học. Cần có lộ trình cụ thể cho việc xây dựng và vận hành các khu công nghiệp sinh thái với kinh tế tuần hoàn đóng vai trò chủ đạo.

Hiện công cụ chính sách thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn mới chỉ có Luật Bảo vệ môi trường 2020, điều 142. Nhìn chung, khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện. Đối với việc phát triển khu công nghiệp sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Tại nghị định này, các khái niệm khu công nghiệp sinh thái, các tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái, khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp áp dụng và phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái đã được đưa ra.

Cụ thể, Nghị định 82 quy định một số tiêu chí mà khu công nghiệp sinh thái phải đạt được như: có ít nhất 25% diện tích là cây xanh, giao thông; hạ tầng dịch vụ được dùng chung; tối thiểu 90% doanh nghiệp trong KCN có nhận thức về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP); tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN áp dụng các giải pháp RECP; ít nhất 10% doanh nghiệp trong khu công nghiệp có kế hoạch tham gia các liên kết cộng sinh công nghiệp...

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec chia sẻ về kết quả xây dựng KCN sinh thái Nam Cầu Kiền
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec chia sẻ về kết quả xây dựng Khu công nghiệp  sinh thái Nam Cầu Kiền.

Chia sẻ về kết quả xây dựng khu công nghiệp sinh thái theo mô hình kinh tế tuần hoàn, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cho biết, sau 13 năm triển khai xây dựng, đến nay, khu công nghiệp mới cơ bản hoàn thiện được 80% các tiêu chí quy định trong Nghị định 82/2018/NĐ-CP.

Đơn cử diện tích dành cho các công trình cây xanh, giao thông, các hạ tầng dịch vụ dùng chung là 82,01 ha, chiếm tỷ lệ 31,1% (theo Nghị định 82 thì mức tốt nhất là 25-30%). Yếu tố cộng sinh công nghiệp trong Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cũng đã được hình thành với 3 nhóm chính gồm: liên kết cộng sinh ngành luyện kim, cơ khí; liên kết cộng sinh ngành điện tử và phụ trợ điện tử; liên kết cộng sinh ngành sản xuất nhựa và các sản phẩm từ nhựa. Các nhóm cộng sinh này đã sử dụng tối đa vật liệu tái tạo theo hướng chất thải của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp kia, nên không còn chất thải ra bên ngoài khu công nghiệp...

Theo ông Điệp, đúc kết từ thực tiễn, việc xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức, do khá thiếu các văn bản hướng dẫn thực hiện; thiếu bộ tiêu chuẩn đánh giá để xem xét và công nhận khu công nghiệp sinh thái. Chỉ riêng Nghị định 82 thì chưa đủ.

Việc chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống theo Nghị định 82 đang vướng về một số tiêu chí mà khu công nghiệp sinh thái phải đạt được, như các tiêu chí liên quan đến tỷ lệ cây xanh, hay thành lập liên kết cộng sinh công nghiệp đòi hỏi phụ thuộc nhiều vào chính sách thu hút đầu tư của địa phương nơi khu công nghiệp đó hình thành.

Hơn nữa, việc đầu tư một khu công nghiệp sinh thái đòi hỏi vốn đầu tư lớn hơn và thời gian thu hồi vốn cũng chậm hơn do hệ số sử dụng đất bị giảm, để dành quỹ đất cho cây xanh, cảnh quan. Việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp để hình thành các liên kết cộng sinh cũng đòi hỏi sự chọn lọc, nên cần có định hướng tổng quan về phát triển công nghiệp của địa phương, định hướng xây dựng các KCN theo hướng cộng sinh, sinh thái để tránh sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các khu công nghiệp trên cùng địa bàn.

Khởi động giai đoạn II hơn 1.500 tỷ đồng của KCN sinh thái Nam Cầu Kiền
Ngày 1/8, Lễ khởi công xây dựng tổ hợp công trình của giai đoạn II KCN Nam Cầu Kiền đã diễn ra thành công.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư