Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo tại Việt Nam
Kỳ Thành - 14/12/2021 00:41
 
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông đề nghị các doanh nghiệp, quỹ đầu tư Hàn Quốc phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư kinh doanh.

Ngày 13/12, tại Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã có buổi làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc (VINK) và đại diện các quỹ đầu tư, doanh nghiệp công nghệ của Hàn Quốc.

VINK là mạng lưới thành phần thuộc Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam và là sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, được triển khai thành lập năm 2018 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao thực hiện.

Thứ trưởng Trần Duy Đông gặp mặt và trao đổi với các thành viên mạng lưới VINK cùng một số doanh nghiệp, quỹ đầu tư Hàn Quốc

Giới thiệu với Thứ trưởng một số hoạt động của VINK kể từ khi được thành lập, anh Nguyễn Quang Phước, Chủ tịch VINK cho biết, bên cạnh việc quy tụ được các trí thức, nhà nghiên cứu kỹ thuật, khoa học, VINK cũng là nơi hội tụ của các nhà kinh doanh, đầu tư. Trong mảng hoạt động của mình, VINK đã kết nối và tổ chức các hội thảo khoa học, hội thảo về lĩnh vực kinh doanh, xã hội…, triển khai tích cực các kết nối, chủ động phối hợp với các Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu, Nhật Bản, Úc, Đức trong nhiều hoạt động. Mới đây, VINK đã được các cơ quan chức năng Hàn Quốc cấp Giấy phép thành lập, trở thành một tổ chức có pháp nhân theo pháp luật Hàn Quốc.

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả bước đầu mà VINK đã đạt được trong thời gian qua, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị, VINK cần nỗ lực để ghi dấu ấn của một hiệp hội phi lợi nhuận, quy tụ trí thức người Việt Nam, chủ động mở rộng các kết nối với các doanh nghiệp, tập đoàn, quỹ đầu tư của Hàn Quốc, thực sự trở thành đầu mối thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Hàn Quốc, cập nhật và chia sẻ thông tin về các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của phía Hàn Quốc.

1
Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị các doanh nghiệp, quỹ đầu tư Hàn Quốc tăng cường tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong việc đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, các dự án đổi mới sáng tạo tại Việt Nam

Cũng tại buổi làm việc, các chuyên gia trong một số lĩnh vực và đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đã giới thiệu và chia sẻ với Thứ trưởng về kế hoạch hợp tác phát triển, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước trong tương lai.

Hàn Quốc hiện là đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam, với 74 tỷ USD tổng vốn đầu tư đăng ký, gần 10 nghìn dự án còn hiệu lực. Ngoài các lĩnh vực truyền thống (sản xuất, năng lượng, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, bất động sản), thời gian qua, xu hướng đầu tư của các Quỹ đầu tư vào các start-ups Việt Nam; start-ups Hàn Quốc trực tiếp đầu tư sang Việt Nam trong khoảng 5 năm qua phát triển mạnh mẽ.

Hoan nghênh các quỹ đầu tư, doanh nghiệp đang quan tâm và muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong những năm qua không ngừng phát triển.

Riêng trong năm 2021, đầu tư khởi nghiệp ở Việt Nam đã có mức tăng trưởng vượt bậc, đạt hơn 1,35 tỷ USD; trong đó có nhiều lĩnh vực được các quỹ đầu tư quan tâm như Fintech, game, giáo dục, y tế chăm sóc sức khoẻ, thương mại điện tử…

Số lượng start-ups tại Việt Nam hiện nay là 3.800 và hiện có hơn 200 quỹ đầu tư đang hoạt động ở Việt Nam và hơn 100 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo.

Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này là thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững. Nghị quyết 50-NQ/TW năm 2019 cũng đề ra mục tiêu thu hút đầu tư ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Quyết tâm này đã được thể chế hóa thông qua một số những điều chỉnh chính sách cơ bản trong Luật Đầu tư (sửa đổi) năm 2020, như số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện giảm từ 243 còn 227; Bổ sung nhiều ngành, nghề ưu đãi đầu tư; Bổ sung thêm hình thức, đối tượng được nhận ưu đãi đầu tư, đặc biệt khuyến khích đầu tư thành lập mới các Trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị các doanh nghiệp, quỹ đầu tư tăng cường trao đổi, phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong việc đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, các dự án đổi mới sáng tạo hoặc phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam.

Thành lập mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc)
Đây là bước phát triển mới của cộng đồng trí thức người Việt tại Đài Loan (Trung Quốc) để tham gia đóng góp trực tiếp cho các hoạt động...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư