Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 01 tháng 12 năm 2024,
Kích cầu để thúc tăng trưởng
Hà Nguyễn - 01/12/2024 09:40
 
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng là giải pháp quan trọng và cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tiêu dùng nội địa tuy đã phục hồi, nhưng còn thấp so với trước đại dịch.  Ảnh: Đức Thanh

Lo cầu yếu, tiếp tục kích cầu

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện số 121/CĐ-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng - một giải pháp được cho là quan trọng và cần thiết trong bối cảnh sức cầu trong nước chậm phục hồi, qua đó ảnh hưởng tới động lực cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Báo cáo Chính phủ hồi đầu tháng 11/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc đến sự “chậm phục hồi” của sức mua trong nước. Các con số được nhấn mạnh là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng (nếu loại trừ yếu tố giá) chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ, thấp nhất từ đầu năm đến nay.

Mức tăng trên cũng thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019. Con số của 10 tháng năm 2023 là tăng 7,3%; trong khi 10 tháng các năm 2015-2019 lần lượt tăng 9,7%; 9%; 8,8%; 8,9% và 9,4%. “Cần có giải pháp mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả để thúc đẩy tiêu dùng, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 7%”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Việc sức cầu trong nước chậm phục hồi đã được các đại biểu nhấn mạnh tại các phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. “Tiêu dùng nội địa tuy đã có sự phục hồi, nhưng so với trước đại dịch còn thấp. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là vấn đề giảm thuế cũng như khuyến khích, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nói.

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Quỳnh (Nam Định) bày tỏ sự lo lắng khi nhu cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu. “Nếu loại bỏ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ thực tăng dưới 5% và tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế”, đại biểu Trần Thị Quỳnh nói và cho rằng, sự phục hồi kinh tế hiện nay chủ yếu đến từ sự phục hồi xuất khẩu, nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài.

Câu chuyện nằm ở chỗ, xuất nhập khẩu vẫn là điểm sáng và động lực này vẫn đang hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng thời gian tới lại có thể đối mặt nhiều rủi ro, khó khăn, do nhu cầu thị trường toàn cầu còn những yếu tố bấp bênh. Để tăng trưởng bền vững, thì kích cầu tiêu dùng trong nước là giải pháp quan trọng.

Cùng với đó, theo các chuyên gia kinh tế, kích cầu đầu tư cũng hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Hiện tại, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng. Số liệu mới nhất được Bộ Tài chính ước tính, 11 tháng năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 411.000 tỷ đồng, bằng 54,8% kế hoạch năm và 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Con số này cách khá xa so với mục tiêu giải ngân 95% mà Chính phủ đặt ra.

Khi cả cầu tiêu dùng lẫn cầu đầu tư còn yếu, giải pháp là phải làm sao để kích cầu.

Kích cầu để thúc tăng trưởng

Hàng loạt giải pháp để kích cầu tiêu dùng và cả kích cầu đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong Công điện số 121/CĐ-TTg. Chẳng hạn, rà soát, ưu tiên triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, các gói tín dụng cũng như các chính sách thu hút nguồn lực xã hội tham gia thực hiện các chương trình, nhiệm vụ liên quan đến kích cầu tiêu dùng; tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường và các chính sách khuyến khích tiêu dùng để khơi thông thị trường trong nước; rà soát, nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm trong nước và toàn cầu…

Tại Công điện số 121/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Để thúc tiêu dùng, Chính phủ đã chính thức đề xuất Quốc hội việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% tới hết ngày 30/6/2025. Giải pháp này được cho là sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước, cũng như nền kinh tế. Sự đồng thuận của cơ quan thẩm tra cũng như của các đại biểu Quốc hội đang mở ra cơ hội lớn để có thêm nguồn lực cho kích cầu tiêu dùng. 

“Cần duy trì việc giảm thuế giá trị gia tăng, nghiên cứu hỗ trợ mạnh hơn cho những gia đình, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão lũ, thiên tai. Bên cạnh đó, lạm phát tăng trong 4 năm qua nhưng mức thu nhập chịu thuế không tăng, cần nghiên cứu nới mức thu nhập chịu thuế nhằm tăng thu nhập khả dụng cho người chịu thuế, góp phần cải thiện chi tiêu; đồng thời, tiếp tục tháo gỡ nút thắt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công”, đại biểu Trần Thị Quỳnh nhấn mạnh.

Giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang được các bộ, ngành, địa phương nỗ lực thúc đẩy. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, vẫn còn 28 bộ, ngành và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, có những đơn vị vẫn chỉ giải ngân “0 đồng”, trong khi nguồn lực đầu tư công còn hơn 230.000 tỷ đồng cần tập trung giải ngân trong 2 tháng còn lại của niên hạn ngân sách năm 2024 (tính đến hết tháng 1/2025 - PV).

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, ngày 7/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 115/CĐ-TTg. Cùng với việc thực hiện quyết liệt, triệt để các chỉ đạo tại Công điện số 121/CĐ-TTg, nền kinh tế có thêm động lực để kích cầu đầu tư và tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu của Chính phủ là đạt tăng trưởng GDP khoảng 7% trong năm 2024, tạo đà cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5% trong năm 2025 - năm tăng tốc, bứt phá để về đích.

Hai lĩnh vực cần tăng đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Ông Jonathan London, chuyên gia kinh tế cao cấp, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư