Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Kích cầu du lịch: Khoảng cách từ ý tưởng tới hiện thực
Hải Hà - 29/07/2015 11:48
 
Ngành du lịch Việt Nam đang bàn thảo việc kích cầu du lịch để thu hút khách du lịch từ 5 nước Tây Âu đang được hưởng ưu đãi miễn thị thực nhập cảnh, nhưng khả năng cụ thể hóa các kết quả bàn thảo có thể sẽ còn kéo dài.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, sự sụt giảm lượng khách quốc tế liên tục 12 tháng liền là hồi chuông báo động khẩn cấp và hồi chuông đó giúp chúng ta có thể tỉnh táo đánh giá chất lượng sản phẩm du lịch do chúng ta xây dựng. Sản phẩm đó đã đủ hấp dẫn chưa, đã có đủ hàm lượng văn hóa mang nét độc đáo riêng của Việt Nam để hấp dẫn khách du lịch như chúng ta thường tự nhận xét hay chưa. Sau khi hoàn thiện sản phẩm du lịch, ngành du lịch sẽ đồng bộ tiến hành chiến dịch kích cầu.

“Chúng tôi sẽ tuyên truyền mạnh, đặc biệt tại các nước Tây Âu vừa được miễn thị thực. Cùng với đó, Hiệp hội cũng đang đề xuất, nếu khách đến Việt Nam nghỉ lâu hơn 15 ngày (theo quy định, khách du lịch 5 nước Tây Âu vừa được miễn thị thực chỉ có thể hưởng chính sách này nếu lưu trú không quá 15 ngày, trong khi theo thói quen, khách châu Âu thường nghỉ khoảng 3 tuần) thì các doanh nghiệp du lịch sẽ trả tiền phí visa cho khách”, ông Bình nói.

Trước ý tưởng này, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Công ty TransViet Travel nhận định, kích cầu du lịch là vấn đề cần bàn, bởi về thực chất, lý do khiến khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sụt giảm là do chi phí ở Việt Nam đắt hơn các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia.

“Nếu gói kích cầu được thực hiện, việc giảm giá cần được thống nhất giữa các doanh nghiệp khi đưa khách inbound từ 5 thị trường này. Kích cầu phải là sản phẩm cụ thể được áp dụng cho khách ở 5 quốc gia Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia. Doanh nghiệp lữ hành sẵn sàng giảm lợi nhuận, nhưng để tháo gỡ toàn bộ thì những vướng mắc còn lại thuộc các ngành hàng không, khách sạn, dịch vụ, do đó cần có sự chung sức của doanh nghiệp các ngành nghề liên quan thì chúng ta mới có mức giảm đáng kể để kích cầu cho khách”, ông Đạt nhấn mạnh.

Ông Đạt cũng đề xuất, Nhà nước cũng nên có chính sách ưu đãi cho phép miễn giảm thuế VAT, chậm trả thuế thu nhập doanh nghiệp để các doanh nghiệp có điều kiện giảm giá tour.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn tỏ ra lo ngại khi việc miễn thị thực chỉ có thời hạn 1 năm trong khi khách châu Âu đi du lịch có tính mùa vụ từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau và họ thường có kế hoạch từ sớm và đặt dịch vụ từ 3 - 6 tháng trước khi đến, khiến thời điểm kích cầu hiện tại là hơi muộn với mùa du lịch sắp tới.

Tuy nhiên, ông Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) vẫn khá tin tưởng với mục tiêu có thể đạt  730.000 lượt khách quốc tế từ 5 nước Tây Âu, tăng 14,87% so với năm 2014.

Lý giải điều này, ông Tuấn Anh cho biết: “Trung bình trong giai đoạn từ 2010 – 2014, khi chưa có chính sách miễn thị thực, khách quốc tế từ 5 nước Tây Âu đến Việt Nam đã đạt tỷ lệ tăng trung bình 5,35%/năm. Do đó, với hàng loạt kế hoạch tập trung trong 3 tháng (7, 8 và tháng 9) như đưa thông tin đến thị trường qua các đại sứ quán, qua kênh ngoại giao; trực tiếp giới thiệu các sản phẩm cụ thể qua press trip, tham gia hội chợ du lịch quốc tế; đưa ra gói, chương trình kích cầu; giới thiệu phân khúc thị trường phù hợp và phối hợp các bộ, ngành nhằm tạo ra hiệu ứng tổng thể, chúng tôi mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng từ 5,35% lên 15% khi 5 nước Tây Âu được miễn visa”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel tỏ ra không mấy tin tưởng về sự lạc quan của cơ quan quản lý, bởi ông Kỳ cho rằng, việc tuyên truyền qua các kênh khác nhau vẫn chưa đo đếm được hiệu quả cụ thể, thì việc tham gia hội chợ du lịch quốc tế hiện sẽ không còn mang lại hiệu ứng tốt cho doanh nghiệp.

“Các hội chợ quốc tế hiện chỉ mang tính chất giới thiệu điểm đến quốc gia và là nơi gặp gỡ của các ông lớn. Chúng ta nhìn thấy những hợp đồng ký kết giữa các doanh nghiệp, nhưng thực chất đấy là kết quả của việc đàm phán từ hàng năm trước đó”, ông Kỳ nhấn mạnh.

Gần đây nhất, ngày 22/7, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Thăng đã đưa ra cam kết, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ quyết liệt chỉ đạo các đơn vị thực hiện chương trình phối hợp công tác để thúc đẩy du lịch phát triển, thúc đẩy thị trường vận tải.

Cũng tại buổi làm việc, hai bộ trưởng đã thống nhất sẽ chủ trì buổi hội thảo với các doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các hãng vận tải ô tô và một số địa phương để xây dựng các gói sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được thực hiện ngay, điều này cũng đồng nghĩa với việc, những gói kích cầu có thể vẫn chưa thể giới thiệu tới các thị trường mục tiêu trong thời gian từ nay tới tháng 9 như kỳ vọng.

Sở Du lịch Hà Nội đã chính thức được thành lập
Ngày 28/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ký quyết định thành lập Sở Du lịch Hà Nội trên cơ sở tách từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư