Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kiểm lâm chủ động bảo vệ rừng bền vững
Thùy Linh - 03/12/2019 13:18
 
Biến đổi khí hậu dẫn đến sự thay đổi thất thường về thời tiết tạo thuận lợi cho xuất hiện các vụ cháy rừng với nhiều quy mô khác nhau tại nhiều nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Làm thế nào hạn chế tình trạng này, đảm bảo phát triển bền vững là những nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo vệ rừng giai đoạn 2019-2020.
Diễn tập chữa cháy rừng cấp quốc gia 2019 cục Kiểm Lâm
Cục Kiểm Lâm diễn tập chữa cháy rừng cấp quốc gia 2019 

Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp

Một trong những thách thức lớn nhất của công tác bảo vệ và phát triển rừng chính là hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, trong 10 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 271 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị cháy hơn 1.951 ha, tăng 1.601 ha so với năm 2018. Cháy rừng cũng đang diễn ra trên diện rộng ở nhiều nước trải dài từ châu Mỹ, châu Phi và khu vực châu Á. 

Theo ông Đỗ Quang Tùng, Cục trưởng Cục Kiểm Lâm, nguyên nhân đóng vai trò chủ đạo dẫn đến số vụ cháy rừng và diện tích bị thiệt hại do cháy rừng tăng là do biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết diễn biến khắc nghiệt, tình trạng nắng nóng gay gắt, hanh khô, hạn hán kéo dài nhiều ngày tại nhiều địa phương như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, khu vực miền Trung (từ Thanh Hoá tới Phú Yên)…thậm chí có khu vực tại các tỉnh miền Trung đã xảy ra hàng trăm điểm cháy.

Diễn tập chữa cháy rừng cấp quốc gia 2019 cục Kiểm Lâm.

Chủ động bảo vệ rừng bền vững

Trả lời câu hỏi về các giải pháp ứng phóng với nạn cháy rừng, ông Đỗ Quang Tùng, Cục trưởng Cục Kiểm Lâm cho biết, để ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu số vụ cháy rừng và thiệt hại thấp nhất do cháy rừng gây ra, Cục Kiểm lâm đã và sẽ tiếp tục tham mưu triển khai 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc các công điện, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về PCCCR. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý rừng, PCCCR.

Thứ hai, tổ chức các đợt kiểm tra, rà soát kỹ các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng ở các cấp và từng chủ rừng, bao gồm việc tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường lực lượng tại khu vực có nguy cơ xảy ra cháy và cháy lớn. Xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để bố trí các nguồn lực phù hợp theo phương châm bốn tại chỗ, đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng và cháy lớn.

Thứ ba, tuyên truyền, hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương, làm rẫy; quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác trong thời kỳ khô hạn. Tăng cường cán bộ Kiểm lâm xuống các trọng điểm về cháy rừng để tham mưu cho cấp chính quyền cơ sở thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

.
.

Thứ tư, chủ động xử lý thực bì, đốt trước có kiểm soát, làm giảm vật liệu cháy ở các khu rừng dễ cháy, làm mới, tu sửa đường băng cản lửa, các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng ở các diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao;

Thứ năm, bố trí các điểm chốt, trạm canh gác, tuần tra, duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô để kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, giảm thiểu nguồn lửa; phát hiện kịp thời điểm cháy; hướng dẫn khách thăm quan du lịch tại những khu vực trọng điểm cháy rừng cao.

Kiên quyết chống phá rừng 

Ngoài các nhiệm vụ trọng tâm trên, Cục Kiểm Lâm còn triển khai các giải pháp hỗ trợ bao gồm nghiêm túc thực hiện đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo rà soát nghiêm túc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các dự án cần phải chuyển mục đích sử dụng rừng cho mục đích quốc phòng, an ninh, các dự án phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cần thiết, tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện, không để xảy ra vi phạm như tại một số địa phương trong thời gian qua. Kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý khi thực hiện các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra trong thời gian vừa qua.

Kiểm lâm sẽ phối hợp các cơ quan chức năng kiên quyết chống chặt phá rừng trái pháp luật, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng; điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật; công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát. Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời, tổ chức ngăn ngừa hành vi phá rừng; kiên quyết loại thải phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền.

2020 phấn đấu che phủ rừng đạt 42%

- Trong 3 năm gần đây (2016-2018): bình quân mỗi năm cả nước phát hiện 16.980 vụ vi phạm pháp luật về bảo về và phát triển rừng, giảm 35%, diện tích rừng bị thiệt hại bình quân là 1.873 ha/năm, giảm 29%.

- 9 tháng đầu năm 2019, xảy ra 9.214 vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp, giảm 15%; diện tích rừng bị thiệt hại 2.459 ha

+Về diện tích rừng được khoán bảo vệ rừng tăng từ 4,944 triệu ha/năm trong giai đoạn 2011-2015 lên 6,143 triệu ha/năm giai đoạn từ 2016-2019.

+Về tăng diện tích và Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc: tăng từ 40,84% năm 2015 lên 41,45% năm 2017; Năm 2018 đạt 41,65%, tăng 0,2%, đạt chỉ tiêu kế hoạch theo Nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Đến năm 2020, ước đạt 42%, đạt mục tiêu của Chương trình.
Phú Yên: Cập nhật dữ liệu quy hoạch xây dựng và lâm nghiệp vào quy hoạch sử dụng đất
Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên cho biết, UBND tỉnh vừa tổ chức cuộc họp bàn về việc cập nhật, tích hợp dữ liệu quy hoạch xây dựng, quy hoạch lâm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư