Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Lâm nghiệp chuẩn bị đáp ứng luật chơi mới
Quang Hưng - 28/11/2019 11:51
 
Sản xuất và kinh doanh không liên quan đến phá rừng là yêu cầu bắt buộc với chuỗi cung ứng sản phẩm nông, lâm sản tại Việt Nam trong những năm tới. Ngành lâm nghiệp đang tích cực chuẩn bị để đáp ứng luật chơi mới này.
Ngành lâm nghiệp quyết tâm bảo vệ rừng để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh không liên quan đến phá rừng.
Ngành lâm nghiệp quyết tâm bảo vệ rừng để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh không liên quan đến phá rừng.

Yêu cầu từ thị trường quốc tế

Hiện có hơn 1.000 thể chế tài chính (ngân hàng, quỹ ủy thác, nhà tài trợ) và 600 tập đoàn đa quốc gia trên thế giới đã cam kết sản xuất và cung cấp các sản phẩm nông sản không liên quan đến phá rừng và đang xây dựng quy trình kiểm tra, sàng lọc, cấp chứng chỉ cho các bên cung ứng dịch vụ và các nước sản xuất sản phẩm nông, lâm sản. Chính phủ của các nước khối EU, Mỹ và Australia đang ráo riết xây dựng hành lang pháp lý để kiểm duyệt và cấp chứng chỉ cho các sản phẩm nhập khẩu vào nước họ.

Tại Việt Nam hiện có 92 công ty trong và ngoài nước kinh doanh trên 21 lĩnh vực và ngành nghề đã ký cam kết vào lộ trình không phá rừng cho tới năm 2020. 21 lĩnh vực bao gồm: thời trang - trang phục và giày dép; nông nghiệp; xây dựng; mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân; chuỗi bán lẻ thực phẩm; lâm nghiệp; nhà cửa - nội thất và sàn nhà - vật dụng sửa chữa nhà cửa; hàng tiêu dùng thực phẩm; giấy và bao bì, in ấn và xuất bản; công nghiệp ô tô - cao su - sản xuất ô tô... Các công ty này đóng góp lớn cho GDP và phát triển kinh tế địa phương, đồng thời là người mua chủ lực của các mặt hàng nông sản.

Song, có một thực tế là các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng sản phẩm nông, lâm sản tại Việt Nam chưa hề được chuẩn bị cả về kiến thức, kỹ năng và quy trình để đáp ứng với các đòi hỏi mới này của thị trường. Nếu hiện trạng này không được nghiên cứu và có phương hướng chuẩn bị lâu dài, ngành nông, lâm sản của Việt Nam có nguy cơ không cạnh tranh được trong thị trường mới, dẫn đến thiệt hại kinh tế to lớn.

Nói không với phá rừng

Sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm sản đóng góp tỷ trọng lớn trong GDP quốc gia, nhưng số lượng và doanh thu từ các ngành hàng này phụ thuộc rất nhiều vào xu thế và yêu cầu của thị trường quốc tế. Hiện nay trên thế giới hình thành nhiều định hướng, yêu cầu mới của thị trường trong 30 năm tới đây. Nếu Việt Nam không chuẩn bị cả về chính sách, năng lực thực hiện cho các bên, có thể bị mất thị trường hiện có, đồng thời không thể tham gia vào cuộc chơi trong thị trường mới.

Biến đổi khí hậu và giảm khí phát thải đang là vấn đề nóng bỏng trên toàn cầu. Các hoạt động liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng gây ra 20% trong tổng lượng phát thải toàn cầu. Tuy nhiên, 70% diện tích rừng bị phá trên toàn cầu là do mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi rừng sang mục đích nông nghiệp. Trước áp lực và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, xã hội và người tiêu dùng đang đòi hỏi và yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp những sản phẩm thân thiện với môi trường. Một trong những yêu cầu đó là sản xuất và kinh doanh không liên quan tới phá rừng.

Từ thực tế đó, Chính phủ đã có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 (nay là Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018). Sau gần 10 năm thực hiện, được đánh giá là một trong 10 thành tựu nổi bật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2011 - 2015. Đến nay, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục được đánh giá là một cơ chế tài chính mới, sáng tạo, có hiệu quả trong việc huy động nguồn tài chính bền vững của toàn xã hội cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, được người dân, xã hội ủng hộ, các tổ chức quốc tế đánh giá cao, góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nghề rừng của Nhà nước.

Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng được thành lập theo Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14/1/2008 của Chính phủ, với mục tiêu huy động các nguồn lực của xã hội để bảo vệ và phát triển rừng. Đến nay, toàn quốc đã có 45 quỹ bảo vệ và phát triển rừng từ Trung ương đến địa phương. Các quỹ này đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Trong những năm qua, nguồn thu tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ cho hơn 5,98 triệu ha rừng trong các lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng (chiếm tỷ lệ khoảng 42% tổng diện tích rừng hiện có). Bên cạnh đó, tiền dịch vụ môi trường rừng còn góp phần giải quyết khó khăn về kinh phí hoạt động quản lý, bảo vệ rừng cho các chủ rừng là tổ chức, các ban quản lý, vườn quốc gia, khu bảo tồn trong bối cảnh dừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên.

Dự kiến, trong những năm tới, nguồn thu dịch vụ môi trường rừng sẽ gia tăng khi dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các - bon của rừng được thí điểm và nhân rộng trong cả nước, góp phần tạo ra động lực kinh tế cho các chủ rừng bảo vệ, phát triển rừng bền vững, gắn với việc cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư sống trong và gần rừng. Đồng thời, gắn trách nhiệm xã hội của các tổ chức hoạt động sản xuất gây phát thải khí CO2 lớn trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hà Nội thông tin về tiến độ xử lý các công trình, dự án vi phạm đất nông, lâm nghiệp ở Ba Vì
Từ đầu năm đến nay, huyện Ba Vì (Hà Nội) đã phát hiện 47 trường hợp vi phạm đất nông nghiệp giao, trong đó, đã xử lý xong 23 trường hợp, đang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư