-
Hà Nội ban hành quy định mới về phí thăm quan di tích, bảo tàng -
Hà Nội thông qua kế hoạch biên chế năm 2025 -
TP.HCM muốn tăng trưởng 10% trong năm 2025, đầu tư toàn xã hội phải đạt 500.000 tỷ đồng -
Quảng Ninh có tân Chủ tịch UBND tỉnh -
TP.HCM mỗi năm chi hàng nghìn tỷ đồng trợ giá xe buýt nhưng hiệu quả rất thấp -
Tỉnh Ninh Bình sẽ có thành phố Hoa Lư
Khoá tập huấn Kỹ năng hỗ trợ doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Kiên Giang |
Nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm
Nhằm tăng cường thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, lợi thế nổi trội của tỉnh, thời gian qua, Kiên Giang luôn quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đây cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định đối với các thủ tục liên quan và tác động trực tiếp, thường xuyên đến hoạt động của nhà đầu tư, doanh nghiệp, như đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế... thông qua cơ chế “một cửa”, tinh gọn đầu mối tiếp nhận, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp để trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc, từ đó kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Nhằm thúc đẩy công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu cải thiện Chỉ số PCI của tỉnh Kiên Giang trong thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch
Kiên Giang phối hợp với VCCI Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long vừa tổ chức khóa tập huấn “Kỹ năng hỗ trợ doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Kiên Giang”.
Khóa tập huấn cung cấp thêm các kiến thức, thông tin mới, thực trạng môi trường kinh doanh của Kiên Giang và Đồng bằng sông Cửu Long thông qua PCI; thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh. Qua đó, giúp lãnh đạo, cán bộ các sở, ban, ngành và địa phương hiểu rõ hơn tầm quan trọng của công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời hiểu rõ được trách nhiệm và vai trò của mình trong công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh mới.
Đồng thời, Kiên Giang đã đưa vào vận hành Cổng thông tin Hỗ trợ doanh nghiệp (www.hotrodoanhnghiep.kiengiang.gov.vn) nhằm cung cấp thông tin về phát triển doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận và trả lời các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp; cung cấp thông tin quy hoạch - kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; cung cấp thông tin các dự án đầu tư, các dự án mời gọi đầu tư…
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh suốt thời gian qua góp phần đưa Kiên Giang trở thành địa phương nằm trong tốp đầu về thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tính đến cuối tháng 9/2024, trên địa bàn tỉnh có 12.445 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 213.629 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 56 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,8 tỷ USD. Đặc biệt, Kiên Giang là tỉnh dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long về thu hút đầu tư trong nước với 745 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đầu tư gần 629.035 tỷ đồng.
Đánh giá kết quả, nhìn nhận hạn chế
Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực, nhưng thứ hạng PCI của Kiên Giang gần đây không đạt như kỳ vọng. Kết quả điểm tổng hợp Chỉ số PCI năm 2023 của Kiên Giang đạt 61,59 điểm, giảm 0,65 điểm so năm 2022 (năm 2022 đạt 62,24 điểm). Đây là 5 thứ năm liên tiếp, PCI của tỉnh bị sụt giảm.
Đánh giá về PCI của tỉnh Kiên Giang năm 2023, bà Võ Thị Thu Hương, Phó giám đốc VCCI chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ, qua phân tích các chỉ số thành phần, có thể thấy, doanh nghiệp tin tưởng vào các thiết chế pháp lý và hệ thống tòa án; thủ tục hành chính trực tuyến tại địa phương mang lại nhiều lợi ích và được doanh nghiệp đón nhận.
Điểm lưu ý là, khả năng tiếp cận thông tin của doanh nghiệp có cải thiện, nhưng chất lượng website chưa được đánh giá cao; bộ phận một cửa đã đạt kỳ vọng của doanh nghiệp, nhưng thủ tục kinh doanh có điều kiện còn gặp nhiều khó khăn; khả năng tiếp cận và số lượng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp còn chưa đạt kỳ vọng…
Kết quả đánh giá PCI năm 2023 của tỉnh Kiên Giang, một số chỉ số thành phần có thứ hạng cải thiện tương đối: tuyển dụng, đào tạo, chất lượng giáo dục dạy nghề, giáo dục phổ thông được nâng cao; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự chuyển biến tốt, cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả, chất lượng điều hành cấp tỉnh bước đầu có sự cải thiện.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố nhóm sau đang vươn lên mạnh mẽ, theo kết quả phân tích các chỉ số thành phần và các chỉ số chi tiết của tỉnh, cần tăng cường tính năng động và sáng tạo trong việc giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả; giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp; tăng cường tính minh bạch, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng; thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thứ hạng PCI của tỉnh chưa đạt kết quả tốt, theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang, bên cạnh những nguyên nhân nêu trên, còn do một số doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa thật sự quan tâm đúng mức khi tiếp nhận và cho ý kiến vào phiếu khảo sát về CPI. Do đó, chưa phản ánh đúng thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh hiện có của tỉnh.
Tuy vậy, ông Cô Văn Tại, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang thẳng thắn nhìn nhận: “Trong chỉ đạo điều hành đã đầy đủ nhiều biện pháp, nhưng nhiệm vụ cải thiện PCI còn chậm, chưa mạnh mẽ, chưa đạt yêu cầu theo chỉ đạo của UBND tỉnh, cũng như thực tiễn môi trường kinh doanh đòi hỏi phải tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp”.
Phấn đấu PCI thuộc nhóm khá
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành vừa ký ban hành kế hoạch cải thiện và nâng cao 5 chỉ số: Chỉ số Cải cách hành chính (Par Index), Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Mục đích của việc ban hành kế hoạch nhằm đánh giá toàn diện kết quả đạt được đối với từng chỉ số; xác định rõ những kết quả nổi bật đã đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân. Trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp cụ thể để khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế đối với từng nội dung tiêu chí thành phần của từng chỉ số; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.
UBND tỉnh Kiên Giang đặt ra yêu cầu phải cải thiện, nâng cao điểm số và vị trí xếp hạng của tỉnh qua từng năm đối với các chỉ số nêu trên. Riêng đối với Chỉ số PCI, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang thuộc nhóm khá.
Để đạt mục tiêu đó, UBND tỉnh Kiên Giang đề ra các nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu các ngành, các cấp tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện có hiệu quả việc cải thiện môi trường đầu tư, thông qua việc duy trì những chỉ số thành phần có điểm số cao, tăng bậc và cải thiện các chỉ số thành phần có điểm số thấp.
Cụ thể là, đa dạng hóa kênh thông tin phản ánh, tiếp nhận và phản hồi trong giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp của cán bộ, công chức, góp phần tạo sự thân thiện, an toàn, minh bạch hơn trong môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, nâng cao tính năng động và tiên phong của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp về ý nghĩa, tầm quan trọng của cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng công tác đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, công khai kết quả theo dõi xử lý sau đối thoại với doanh nghiệp và đề xuất những bất cập trong quy định của pháp luật.
Tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch cải cách hành chính hàng năm và việc thực hiện một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; rà soát, kiến nghị cắt giảm, bãi bỏ thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành của tỉnh trong giải quyết thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai.
Đặc biệt, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lao động; tăng cường cải thiện thiết chế pháp lý; tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển.
-
TP.HCM mỗi năm chi hàng nghìn tỷ đồng trợ giá xe buýt nhưng hiệu quả rất thấp -
Tỉnh Ninh Bình sẽ có thành phố Hoa Lư -
Tinh gọn bộ máy: Cần cơ chế vượt trội cho người sẵn sàng nghỉ -
Cuối tháng 2/2025, Quốc hội họp, sửa các luật liên quan đến tinh gọn bộ máy -
Bộ Giao thông Vận tải nêu quan điểm về Đề án thí điểm taxi bay tại Bình Định -
Ban Kinh tế Trung ương phải trở thành cơ quan nghiên cứu tham mưu chiến lược hàng đầu -
Công nhận 8 xã vùng bãi ngang, ven biển thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn
- Việt Nam tham gia hợp tác nhân giống cà phê robusta toàn cầu
- FPT và RWE hợp tác thúc đẩy tầm nhìn chung về chuyển đổi năng lượng xanh
- Ghi âm trong quá trình tư vấn bảo hiểm tại MAP Life: Minh bạch để bảo vệ quyền lợi khách hàng
- Quỹ đầu tư Princeton đến Tập đoàn Ngân Tín tìm kiếm cơ hội hợp tác
- Bloom Beauty đưa dược mỹ phẩm hàng đầu Hoa Kỳ về Việt Nam
- Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (Mã chứng khoán: NKG) thông báo chào bán cổ phiếu ra công chúng