Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kiến nghị cho phép cơ sở dịch vụ ăn uống tại TP.HCM được phục vụ tại chỗ
Thị Hồng - 20/10/2021 08:38
 
Sở Công thương TP.HCM có văn bản đề xuất đến UBND Thành phố về việc cho phép cơ sở dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ khoảng 50% công suất và tối đa 2 người/bàn.

Đề xuất trên được đưa ra sau khi Sở Công thương Thành phố nhận được kiến nghị của Hiệp hội Văn hoá Ẩm thực Việt Nam (VCCA).

Cụ thể, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch VCCA đã ký gửi văn bản, gửi đến UBND TP.HCM và Sở Công thương Thành phố về việc cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống trong địa bàn thành phố được mở cửa hoạt động bình thường. 

Theo VCCA, cả nước có khoảng hơn 550.000 cơ sở dịch vụ ăn uống, trong đó có khoảng 430.000 cơ sở kinh doanh truyền thống, trên 82.000 nhà hàng chuyên dịch vụ thức ăn nhanh, hơn 22.000 cửa hàng cà phê, các quầy bar và khoảng 16.000 cơ sở dịch vụ ăn uống khác. 

Đến nay, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành ẩm thực chịu tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng liên quan như như thuỷ hải sản, nông nghiệp, dịch vụ,…do tác động từ đại dịch Covid-19.

VCCA đánh giá, mặc dù những năm qua, ẩm thực là ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt, mỗi năm đóng góp khoảng 15% GDP cả nước nhưng những thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 gây ra cho ngành ẩm thực rất lớn, đến nay chưa thể thống kê, đánh giá cụ thể. 

.
Sở Công thương TP.HCM vừa đề xuất UBND TP cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động theo cả hình thức bán mang đi và phục vụ tại chỗ, trừ các loại hình kinh doanh bán bia, rượu (Ảnh: TCH).

Theo thống kê của Sở Công thương TP.HCM, trên địa bàn có khoảng 7.500 doanh nghiệp, hàng chục ngàn hộ kinh doanh cá thể kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống. 

Tuy nhiên, do phải tạm ngừng kinh doanh để phòng chống dịch suốt hơn 2 tháng qua khiến doanh thu ngành ẩm thực giảm mạnh. 

Cụ thể, doanh thu dịch vụ ăn uống 8 tháng qua của Thành phố chỉ đạt 32.075 tỷ đồng, giảm 620,3% so với cùng kỳ. Do kinh doanh sụt giảm nên hàng loạt doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm và đồ uống phải đóng cửa, trả mặt bằng hoặc thu hẹp kinh doanh. 

Trước tình hình dịch bệnh ở TP.HCM đang được kiểm soát tốt hơn so với trước đây, VCCA kiến nghị UBND Thành phố cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống trong địa bàn thành phố được mở cửa hoạt động bình thường trong giai đoạn "bình thường mới" với điều kiện chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Chính phủ và Uỷ ban.

Sau kiến nghị của VCCA, chiều 19/10, Sở Công thương TP.HCM đã có văn bản đề xuất UBND Thành phố cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động theo cả hình thức bán mang đi và phục vụ tại chỗ (trừ các loại hình kinh doanh bán bia, rượu).

Điều kiện đi kèm là các cơ sở kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu trong phòng, chống dịch của ngành y tế và Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn do Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM ban hành (Quyết định số 3326 ngày 15/9/2021).

Các cửa hàng kinh doanh loại hình này phải đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày, phục vụ tối đa 50% công suất; không quá 2 người/bàn và khoảng cách giữa các bàn ăn tối thiểu là 2 mét.

Trong đó, khách hàng sử dụng loại hình phục vụ ăn uống tại chỗ phải được tiêm đủ liều vắc- xin phòng chống Covid-19.

Ngoài ra, Sở Công thương cũng đề xuất giao Ban An toàn thực phẩm Thành phố chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức tổ chức triển khai, hướng dẫn các cơ sở thực hiện; tổ chức hậu kiểm để xử lý, khắc phục các vi phạm kinh doanh không đáp ứng các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch.

Độ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 tại TP.HCM đạt hơn 98%. Trong đó, hơn 7,1 triệu người dân được tiêm mũi 1 (đạt 98,6%) và 5,4 triệu người dân được tiêm mũi 2 (đạt 75,3%).
Dịch Covid-19 tại TP.HCM giảm từ cấp độ 3 xuống cấp độ 2
Thông tin được ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đưa ra tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ 3...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư