Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Kiên trì mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp
Nguyễn Lê - 12/11/2021 17:14
 
Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, được 460/465 vị đại biểu Quốc hội có mặt trong phiên họp chiều 12/11 nhấn nút thuận.
.
Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết.

Dù còn băn khoăn khi thảo luận, Quốc hội vẫn đồng ý thông qua chỉ tiêu đến năm 2025 phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn.

Đây là một trong nhiều chỉ tiêu chủ yếu tại Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, được 460/465 vị đại biểu có mặt trong phiên họp chiều 12/11 nhấn nút thuận.

Phát huy cao độ yếu tố con người, giá trị văn hóa

Mục tiêu  tổng quát được xác định ở kế hoạch này là hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. 

Quốc hội thống nhất quan điểm, cơ cấu lại nền kinh tế với đột phá về hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh kinh tế đô thị, các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn.

Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng.

Phát huy cao độ yếu tố con người, giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết của dân tộc gắn với khai thác tối đa các cơ hội, thuận lợi và phù hợp xu thế phát triển trên thế giới, không để lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Vẫn có thể đạt được 1,5 triệu doanh nghiệp

Trong các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 được xác định tại nghị quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị xem xét tính khả thi của mục tiêu “Phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, trong đó có khoảng 60.000 - 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, thời gian qua, do tác động của dịch COVID-19 nên số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản đã tăng mạnh, do đó, việc nghiên cứu, cân nhắc điều chỉnh mục tiêu về số lượng doanh nghiệp là phù hợp. Tuy nhiên, trên cơ sở hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp “triển khai”, đồng thời một trong những giải pháp được nêu tại Nghị quyết về việc triển khai hiệu quả các biện pháp khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp thì mục tiêu về số lượng doanh nghiệp cần đặt ra mục tiêu tích cực để nỗ lực phấn đấu và vẫn có thể đạt được.

Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ mục tiêu như Chính phủ đề xuất, đến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết giữa kỳ sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để điều chỉnh cho phù hợp.

Đồng thời, nghị quyết cũng đã bổ sung chỉ tiêu đánh giá chất lượng doanh nghiệp, cụ thể là “tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%” .

Giữ mục tiêu nợ xấu dưới 3%

Nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%, từng bước phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, bền vững. Tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II cũng là chỉ tiêu được Quốc hội thống nhất.

Quá trình thảo luận, một số ý kiến đề nghị làm rõ tính hợp lý khi đặt ra mục tiêu này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, theo đánh giá của Chính phủ trong giai đoạn 2016 - 2020, các ngân hàng thương mại (NHTM) cơ bản đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại Việt Nam.

Triển khai Basel II giúp các NHTM tuân thủ các thông lệ, chuẩn mực quốc tế để hội nhập thành công; hoạt động an toàn và lành mạnh hơn. Tăng cường năng lực quản trị rủi ro và khả năng tài chính là giải pháp tối ưu để các NHTM trụ vững trước những biến động khó lường của thị trường tài chính. Do đó, việc đặt ra mục tiêu “tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II” là cần thiết và khả thi.

Về chỉ tiêu nợ xấu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, có thể kéo dài và còn nhiều yếu tố bất định thì chỉ tiêu nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD có nguy cơ tăng lên. Theo dự báo của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, nợ xấu nội bảng, nợ xấu tiềm ẩn ở mức khá cao, thậm chí có thể lên tới 8% trong vòng 1 năm tới. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ mục tiêu là “duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD ở mức dưới 3%” tại Nghị quyết.

Các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025

1. Tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) bình quân trên 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng NSLĐ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 - 7%/năm, tốc độ tăng NSLĐ của các vùng kinh tế trọng điểm và 05 thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn tốc độ tăng NSLĐ trung bình cả nước; nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GDP. Thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong nhóm ASEAN-4, đặc biệt đối với các chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.

2. Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP; giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính.

3. Bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 05 năm khoảng 32 - 34% GDP. Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức tiệm cận quốc tế. Nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%, từng bước phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, bền vững. Tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II.

4. Phát triển mạnh các loại thị trường. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP. Chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai trong bộ chỉ số về Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) tăng 10 - 15 bậc so với năm 2019. Hoàn thành việc xây dựng và công khai Hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai. Chỉ số Chất lượng đào tạo nghề trong bộ chỉ số về Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) tăng 40 - 50 bậc; chỉ số Kỹ năng của sinh viên tăng 45 bậc so với năm 2019. Tỷ trọng chi cho khoa học công nghệ đạt không dưới 01% GDP; số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm giai đoạn 2021 - 2025.

5. Phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tối thiểu 05 đến 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế.

6. Kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.

7. Phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 35.000 hợp tác xã, trong đó có trên 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, khoảng 35% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

(Nghị quyết Về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025)

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư