Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cân nhắc điều chỉnh mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp
Nguyễn Lê - 12/10/2021 15:33
 
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động là khó khả thi.
.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.

 

Tiếp tục phiên họp thứ tư, chiều 12/10 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Làm rõ nguyên nhân chủ quan 5 mục tiêu không đạt

Theo báo cáo của Chính phủ, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 có 5/22 mục tiêu không đạt.

Thẩm tra, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc không hoàn thành 5/22 mục tiêu, chiếm 22,73% tổng số mục tiêu đề ra cần phải được đánh giá làm rõ nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan.

 Bởi đây đều là những mục tiêu quan trọng chủ yếu liên quan đến khu vực công như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước , cơ cấu lại đầu tư công , phát triển doanh nghiệp  và đào tạo lao động .

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ làm rõ tác động của việc không hoàn thành các mục tiêu này ảnh hưởng đến kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 và việc xác định các mục tiêu trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.  

Để có thêm cơ sở xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá làm rõ một số nội dung.

Như, tác động của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tiến độ, khả năng thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra tại các phương án, đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD), nhất là các ngân hàng được mua bắt buộc, được kiểm soát đặc biệt; việc kiểm soát, xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD; việc xử lý tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các TCTD.

Một số vấn đề khác cũng cần được đánh giá rõ hơn là kết quả khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công; đầu tư dàn trải, tham nhũng, lãng phí, nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Nguyên nhân chậm tiến độ, đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đơn vị sự nghiệp công lập; nguyên nhân một số doanh nghiệp, dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chậm được xử lý dứt điểm.

Công tác quản lý, sử dụng vốn vay, kiểm soát khoản vay của chính quyền địa phương, DNNN; kiểm soát bội chi ngân sách và tính bền vững của bảo đảm an toàn nợ công; nguyên nhân thu từ 3 khối doanh nghiệp liên tiếp nhiều năm không đạt dự toán, theo cơ quan thẩm tra, cũng cần được làm rõ.

Cân nhắc điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu khó khả thi

Nhất trí với các mục tiêu, chỉ tiêu được nêu tại Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, song cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, cần đặt thời hạn sớm hoàn thành các mục tiêu không đạt được theo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp với bối cảnh và điều kiện thực hiện của giai đoạn 2021 - 2025.

Với các mục tiêu mới, cơ quan thẩm tra lưu ý, thời gian qua do tác động của dịch COVID-19 nên số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản đã tăng mạnh , hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, tình hình tài chính của doanh nghiệp đã bị bào mòn, suy giảm đáng kể.

Do đó, cần nghiên cứu, cân nhắc điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu khó khả thi như mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó 60.000-70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%”. Bên cạnh chỉ tiêu, mục tiêu về số lượng cần nghiên cứu đề xuất chỉ tiêu, mục tiêu về chất lượng doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung làm rõ nội hàm, các yếu tố cấu thành kinh tế số, từ đó làm cơ sở để xác định mục tiêu “Kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%”.

Đây là một nội dung mới được đặt ra tại Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 nên cần phải được cụ thể hóa đối với từng ngành, lĩnh vực, nhất là những ngành, lĩnh vực mà mục tiêu đóng góp vào kinh tế số cao, là động lực cho phát triển kinh tế nhằm bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện, ông Thanh lưu ý.

Theo cơ quan thẩm tra, cần nghiên cứu, bổ sung các mục tiêu “Đến năm 2025 giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020” .

Liên quan đến cơ cấu lại đầu tư công, Uỷ ban Kinh tế đề nghị sửa đổi, bổ sung mục tiêu về tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bám sát vào các nội dung đã được Quốc hội xem xét, thông qua.

Cụ thể, Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nêu rõ: tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021 - 2025 khoảng 32 - 34% GDP, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 90% kế hoạch Quốc hội giao; số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn.

Theo báo cáo thẩm tra, một số ý kiến cho rằng,với đánh giá 5/22 mục tiêu không hoàn thành Kế hoạch của giai đoạn trước thì không nên xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cho giai đoạn 2021 - 2025 mà chỉ cần thu hẹp phạm vi, yêu cầu tiếp tục thực hiện hoàn thành những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa hoàn thành của giai đoạn 2016 - 2020 và xem xét, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp xác định những ngành, lĩnh vực, nội dung ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với bối cảnh, thời cơ và thách thức mới, khơi thông các điểm nghẽn của nền kinh tế; xác định rõ nguồn lực và chú trọng công tác triển khai tổ chức thực hiện đang là khâu yếu của giai đoạn vừa qua.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư