Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kinh doanh Internet cáp quang: Cuộc chiến trên từng ngõ phố
Hữu Tuấn - 20/12/2015 08:14
 
Các nhà cung cấp Internet cáp quang đang giành nhau những miếng bánh cuối cùng của thị phần Hà Nội.

Khốc liệt cuộc chiến giành thị phần

Sáng mùa đông Hà Nội nhiệt độ xuống 15 độ C, gió hun hút lạnh quắt người, nhưng trước tòa nhà Richland Southern, một đội ngũ nhân viên VNPT vẫn mải miết bên xe bán hàng di động, bày quầy, cung cấp dịch vụ cáp quang Internet tới khách hàng. Đi cùng họ là đội nhân viên kỹ thuật sẵn sàng vật liệu, thiết bị, chỉ cần khách hàng ký xong hợp đồng là có thể lắp đặt ngay cho khách.

VNPT Hà Nội đang bước vào đợt cao điểm cuối năm kể từ khi chiến dịch “Chuyển đồng sang quang” bắt đầu từ  tháng 3/2015. Đến nay, VNPT Hà Nội đã có trong tay khoảng hơn 40.000 thuê bao Internet cáp quang và đang đặt mục tiêu hết năm 2016 sẽ đạt 400.000 thuê bao, hết năm 2017 đạt 620.000 thuê bao. Cao điểm của chiến dịch này là hồi tháng 7 - 8, lượng khách lắp Internet cáp quang đạt tới 14.000 thuê bao.

.
Các nhà cung cấp Internet cáp quang đang giành nhau những miếng bánh cuối cùng của thị phần Hà Nội.

Trong lúc đó, đối thủ của VNPT là Viettel cũng đang triển khai dịch vụ đăng ký qua điện thoại và online. Khách hàng không cần phải mất thời gian đến cửa hàng, chỉ cần ngồi ở nhà đăng ký qua tin nhắn với cú pháp: địa chỉ lắp đặt_số điện thoại liên hệ_tên liên hệ, rồi gửi đến số Hotline. Chỉ sau 30 phút đăng ký, Viettel sẽ cử nhân viên gọi điện tư vấn và đến nơi để khảo sát và ký hợp đồng.

Một số nhà cung cấp khác suốt ngày đêm dùng đội ngũ telesale “khủng bố” khách hàng mời lắp cáp quang, “dội bom” tin nhắn khuyến mại lắp cáp quang… Cuộc cạnh tranh Internet cáp quang nay đã len vào từng ngõ nhỏ phố nhỏ và trong từng chiếc smartphone của người dân Thủ đô.

Những động thái trên cho thấy, cuộc chiến giành thị phần Internet cáp quang đang trở nên rất quyết liệt, bởi sau một thời gian cung cấp, lượng khách hàng sử dụng tăng lên, khách hàng tiềm năng giảm xuống. Các nhà cung cấp buộc phải đẩy mạnh việc chiếm thị phần.

Và cũng chính từ đây cuộc chiến hạ giá cước cáp quang bắt đầu. Theo tính toán, suất đầu tư với một thuê bao cáp quang khoảng 6,65 triệu đồng, gồm chi phí đầu tư mạng ngoại vi và chi phí các thiết bị phần cứng khác để kết nối vào tận nhà khách hàng. Ngoài ra, để vận hành được một thuê bao cần tới các chi phí khác liên quan như chăm sóc khách hàng, truyền thông, sửa chữa, cước kết nối… Ước tính, để duy trì cho thuê bao hoạt động, với vốn đầu tư bỏ ra, giá thành cước cáp quang hàng tháng phải đạt khoảng 320.000 đồng/tháng mới bảo đảm có lãi.

Nhưng trên thực tế, ngoại trừ thuê bao là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trả theo gói dịch vụ riêng, thì đối với khối khách hàng cá nhân hiện đang được bán với mức từ 180.000 đồng/tháng. Thậm chí, SCTV còn đưa ra gói cước cáp quang chỉ 135.000 đồng/tháng, kết hợp đi trên đường truyền hình cáp.

Không chỉ cạnh tranh về giá, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh như lúc đầu bán giá rẻ, khách sử dụng 7-10 ngày thì “bóp” băng thông, dần ép khách dùng gói cước giá cao hơn hoặc sử dụng các chiêu trò “cướp” thuê bao từ nhà cung cấp khác…

Theo chuyên gia viễn thông Lê Nam Thắng, việc phá giá trên thị trường Internet cáp quang sẽ là mối nguy hại cho thị trường. Việc các nhà cung cấp khuyến mại khủng, phá giá khiến khách hàng thấy cái lợi trước mắt, chuyển qua, chuyển lại giữa các nhà cung cấp để hưởng khuyến mại, gây nên sự lãng phí tài nguyên vô cùng lớn và méo mó thị trường, đến khi những doanh nghiệp yếu thế "chết" thì lúc đó nhà mạng còn lại sẽ độc quyền và lúc này thiệt hại người dùng sẽ lãnh đủ.

Cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ

Việc cạnh tranh không lành mạnh gây áp lực không nhỏ cho các nhà cung cấp và làm thị trường nhiễu loạn. Điều này đã gây bức xúc cho các nhà cung cấp.

Ông Tô Dũng Thái, Giám đốc VNPT Hà Nội khẳng định, quan điểm của VNPT Hà Nội là không cạnh tranh bằng giá rẻ, mà cạnh tranh với giá cả phù hợp và quan trọng hơn là chất lượng dịch vụ.

“Hiện chúng tôi là nhà cung cấp xử lý sự cố nhanh nhất, điều này đã được Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định trong các báo cáo đánh giá tiêu chuẩn chất lượng công bố hàng năm. Đó chính là sự khẳng định rằng chúng tôi cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, chứ không phải bằng giá cước rẻ”, ông Thái cho biết.

Theo ông Thái, VNPT xác định, đầu tư cáp quang giai đoạn đầu rất tốn kém, trong khi hiện nay giữa các đơn vị có sự cạnh tranh quyết liệt. Do vậy, cần xác định thị trường như thế nào để đầu tư, phải có nghiên cứu rõ ràng và chỉ đầu tư dựa trên tính toán đến hiệu quả, nếu đầu tư vào một chỗ mà khách hàng chưa có hoặc nhu cầu thấp thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Do đó, VNPT Hà Nội chỉ thực hiện đầu tư ở những khu vực có tiềm năng và chọn giải pháp đặt trước các đường cáp ngầm chờ sẵn… Hiện nay, VNPT Hà Nội đang triển khai mục tiêu phủ cáp quang đến toàn bộ các xã trên địa bàn Thành phố.

Bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Viễn thông FPT đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định về giá sàn để bảo đảm các nhà cung cấp dịch vụ có thể cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng giảm giá cước bừa bãi để cạnh tranh. Việc quản lý giá sàn sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư và bảo đảm được hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí cho xã hội.

Yahoo cải tổ thất bại, tính chuyện bán cả mảng kinh doanh cốt lõi
Từng là hãng Internet số một thế giới, Yahoo lại đang có ý định gây sốc là bán đi mảng kinh doanh dịch vụ trực tuyến của mình.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư