Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Kinh tế 2014: Nhìn từ các cú sốc chính sách
Khánh An - 15/12/2013 09:42
 
Lần đầu tiên, các kịch bản kinh tế 2014 của Việt Nam được dựng trên nền mô hình dự báo kinh tế vĩ mô trung và dài hạn. >>> 2014, năm thách thức với doanh nghiệp nhà nước >>> Lợi thế của kinh tế năm 2014 >>> FDI đua nước rút cuối năm >>> Từ 5/1/2014, dự án chậm tiến độ sẽ bị ngừng triển khai >>> Tết nguyên Đán 2014: Không lo tăng giá hàng thiết yếu

Sốc cầu và sốc cung

Những đồ thị biến thiên của GDP và các chỉ số kinh tế vĩ mô dựa trên đánh giá tác động một số chính sách trọng cầu hay trọng cung giả định… đã làm nóng Hội thảo khoa học Triển vọng kinh tế Việt Nam 2014 với chủ đề Cộng hưởng hiệu ứng chính sách do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCEIF) tổ chức sáng qua (12/12) tại Hà Nội.

Kinh tế 2014: Nhìn từ các cú sốc chính sách
Việc giảm tốc của nhóm ngành xây dựng làm giảm tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Ảnh: Chí Cường

Lần đầu tiên, theo đánh giá của ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), những nhận định không mới về tác động của cú sốc cung và cầu đã được lượng hóa bằng một mô hình dự báo kinh tế vĩ mô trung và dài hạn.

“Việc lượng hóa được tác động của các cú sốc với nền kinh tế rất có ý nghĩa trong điều hành kinh tế của Chính phủ. Với bối cảnh của kinh tế Việt Nam, không thể tách bạch các chính sách trọng cung hay cầu, mà cần nghệ thuật điều hành với những liều lượng chính sách được cân nhắc cẩn trọng”, ông Bá nói.

Trong mô hình dự báo kinh tế vĩ mô trung và dài hạn cho 5 khu vực sản xuất lần đầu tiên được Nhóm Nghiên cứu do NCEIF công bố, với giả định, đầu tư khu vực nhà nước tăng 1% làm cầu cuối có thể tăng tới 2,4%, nhập khẩu tăng 1,9% và GDP hiện hành tăng 0,82%. Trong trung và dài hạn, cầu cuối cùng và nhập khẩu vẫn giữ mức tăng khá ổn định ở mức tương ứng là 2,5 - 2,7% và 1,9 - 2%. Tuy nhiên, GDP hiện hành có xu hướng giảm dần.

Trong khi đó, giả định giảm thuế giá trị gia tăng 1%, trong ngắn hạn, sẽ làm các yếu tố như cầu cuối cùng, GDP, nhập khẩu tăng khoảng 0-0,4%; xuất khẩu gần như không tăng và lạm phát giảm mạnh. Trong trung hạn, theo Nhóm Nghiên cứu, các yếu tố cầu cuối cùng và nhập khẩu tiếp tục tăng (tương ứng trên 0,8% và trên 0,4%) và có xu hướng ổn định. Trong cú sốc này, GDP vẫn tăng nhẹ trong trung hạn, với mức gần 0,4%, ổn định trong dài hạn.

“Với mô hình này, cú sốc cầu làm GDP hiện hành tăng mạnh trong ngắn hạn, nhưng giảm dần theo thời gian có thể sẽ hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn. Trong khi đó, cú sốc cung làm tăng GDP chậm hơn, song duy trì được mức ổn định trong trung và dài hạn. Tùy mục tiêu điều hành, dựa trên những đánh giá tác động, Chính phủ có những lựa chọn chính sách phù hợp”, bà Mai Thị Thu, Giám đốc NCEIF phân tích.

Giá phải trả và sức chịu đựng của nền kinh tế

Trong đánh giá tác động chính sách phát triển nhóm ngành giai đoạn 2014-2015, NCEIF đã đưa ra dự báo độ doãng cách giữa tăng trưởng tiềm năng và thực tế đang chênh khoảng 0,93 điểm phần trăm trong năm 2014; 0,87 điểm phần trăm trong năm 2015. Đây là khoảng cách khá lớn của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2001 đến nay.

Cũng phải nói thêm, việc giảm tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế giai đoạn 2011-2012 xét từ nhóm ngành chính là do giảm tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành xây dựng giảm sút. Các nhóm ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và dịch vụ khác có tốc độ tăng thấp hơn hẳn giai đoạn trước đó.

“Cơ hội tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam còn nhiều, nhưng đáng tiếc là, với chính sách hiện tại, chủ yếu dựa vào vốn (chiếm 60%), lao động (25,5%), trong khi yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) chỉ đóng góp 14,4%”, ông Bá nhấn mạnh vào các con số được tính toán cụ thể và cho rằng, đây là cơ sở để tính cái giá phải trả cho các kế hoạch tái cơ cấu, cũng như sức chịu đựng của nền kinh tế…

Bài toán chính sách với từng ngành được các chuyên gia đưa ra khá rõ ràng. Ngành xây dựng còn nhiều tiềm năng, nhưng hiệu quả đầu tư thấp, nên chọn hướng tăng hiệu quả, công nghệ, chứ không cần gọi thêm quy mô. Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tiềm năng phát triển tốt trong năm 2014, có hiệu quả đầu tư cao cần ưu tiên đầu tư. Nhóm ngành tài chính - ngân hàng - bảo hiểm còn tiềm năng phát triển, nhưng cũng theo hướng tăng hiệu quả, lao động, chứ không tăng quy mô vốn…

Rõ ràng, các dự báo kinh tế và khuyến nghị chính sách dựa trên đánh giá tác động chính sách đang khiến công việc của giới nghiên cứu và hoạch định chính sách gần nhau hơn.

Lợi thế của kinh tế năm 2014
Các kịch bản mới nhất về kinh tế Việt Nam năm 2014 do các tổ chức nghiên cứu trong nước và nước ngoài dự báo không có nhiều thay đổi.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư