Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
2014, năm thách thức với doanh nghiệp nhà nước
Khánh An - 15/12/2013 09:48
 
Ý kiến của các chuyên gia về thách thức kinh tế năm 2014.

"Chính sách tăng đầu tư khu vực nhà nước cần được thực hiện thận trọng”

Bà Mai Thị Thu, Giám đốc

Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội
Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Chính sách tăng đầu tư khu vực nhà nước cần được thực hiện thận trọng khi gây ra khả năng lạm phát tăng cao liên tục. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, việc tăng thêm đầu tư khu vực nhà nước có thể thúc đẩy các yếu tố tích cực tăng trưởng GDP.

Đối với nhóm ngành, cần khuyến khích đầu tư vào nhóm công nghiệp chế biến - chế tạo, do đầu tư vào nhóm ngành này có thể tác động tích cực vào GDP, mà không gây sức ép tăng giá.

"2014 sẽ là năm thách thức đối với doanh nghiệp nhà nước”

2014, năm thách thức với doanh nghiệp nhà nước

Ông Trần Tiến Cường, Nguyên Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương

Cơ hội để tháo điểm nghẽn lớn nhất cho doanh nghiệp nhà nước trong kế hoạch thoái vốn có thể sẽ được mở ra trong năm 2014 nếu Bộ Tài chính trình Chính phủ để xin ý kiến Quốc hội cho phép doanh nghiệp được thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá.

Trong khi đó, quyết định thu nộp ngân sách nhà nước đối với cổ tức được chia năm 2014 cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu, một mặt, sẽ tạo môi trường kinh doanh bình đẳng hơn với các doanh nghiệp khác.

Nhưng mặt khác, thu nộp lợi nhuận, cổ tức về Nhà nước sẽ tạo áp lực lớn cho khối doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh hiện nay, làm đảo lộn các tính toán, các dự án đầu tư phát triển trong năm 2014.

"Cần nghiên cứu tác động chính sách để đảm bảo mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô"

Ông Đoàn Hồng Quang, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới

Cách đây vài năm, một số chuyên gia kinh tế nước ngoài đến Việt Nam và đề nghị muốn làm việc với các cơ quan chuyên mô về đánh giá tác động chính sách. Tôi đành chỉ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, vì thực sự chưa có một cơ quan chuyên trách nào thực hiện việc này. Với mô hình này, chúng tôi hy vọng, sẽ có nghiên cứu sâu về tác động chính sách trước khi đưa ra chính sách cụ thể, đảm bảo mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô và tính khả thi của chính sách.

Với mô hình dự báo kinh tế vĩ mô trung và dài hạn, cần phải xem xét thêm tác động của khu vực FDI trong các ngành sản xuất, để có nhận định chính sách phù hợp.

Vấn đề về hiệu quả đầu tư cũng phải được thể hiện rõ trong khung chính sách. Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa đạt được điều này.

Lợi thế của kinh tế năm 2014
Các kịch bản mới nhất về kinh tế Việt Nam năm 2014 do các tổ chức nghiên cứu trong nước và nước ngoài dự báo không có nhiều thay đổi.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư