Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Kinh tế 2014 thoát ám ảnh “vỡ kế hoạch”
Hà Quang - 22/10/2014 07:22
 
() Tính từ năm 2011 (năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015) đến nay, 2014 là năm đầu tiên, Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (5,8%).
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Cần làm rõ bức tranh đời sống của nhân dân
Tự tin với kế hoạch phát triển kt-xh năm 2014
Nền kinh tế đột phá sau năm 2014
Chỉ có một con đường để Việt Nam đi lên
Đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% năm 2014

Đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8%

Con số 5,8% dự kiến tăng trưởng GDP năm 2014 ngay sau khi được Chính phủ công bố tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội Khóa XIII đã nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu Quốc hội, cũng như của dư luận.

  Kinh tế 2014 thoát ám ảnh “vỡ kế hoạch”  
  Con số dự kiến tăng trưởng GDP 5,8% năm 2014 đã được Chính phủ công bố tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra. Ảnh: Đức Thanh  

Đánh giá thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng khẳng định, kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế đã ổn định hơn so với năm trước. “Năm 2014 là năm đầu tiên trong Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% theo Nghị quyết của Quốc hội”, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.

Nhìn lại tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 3 năm qua, có thể thấy, ngay năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch 5 năm, tăng trưởng GDP chỉ đạt 6,24%, trong khi mục tiêu của năm là 7 - 7,5%.

Trong những năm tiếp theo, năm 2012 tăng trưởng 5,25% (kế hoạch là 6 - 6,5%); năm 2013 tăng trưởng 5,42% (mục tiêu là 5,5%). Còn năm nay, con số được dự kiến là 5,8%, đúng bằng mục tiêu đề ra. Thậm chí, theo đánh giá của chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP năm nay còn có thể cao hơn mục tiêu đề ra - một mức tăng trưởng mà hơn một tháng trước đây, không chuyên gia kinh tế nào dự báo Việt Nam có thể đạt được.

Thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và các báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Lê Minh Thông (Đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hoá) cũng đã đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội năm 2014.

“Phải đặt những kết quả đạt được của kinh tế - xã hội năm 2014 trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam thực hiện tái cơ cấu toàn diện mới thấy hết ý nghĩa tích cực của những con số”, ông Thông nói.

Đó là, GDP 9 tháng đầu năm 2014 ước tăng 5,62%, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ của hai năm trước (năm 2013: 5,14%, năm 2012: 5,1%). Trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3%; công nghiệp và xây dựng tăng 6,42%; dịch vụ tăng 5,99%.        

Cùng với đó, tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp từng bước hồi phục, thể hiện ở Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số IIP 9 tháng đầu năm 2014 ước tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013. Ngành công nghiệp đã đáp ứng cơ bản tư liệu sản xuất, sản phẩm hàng hóa tiêu dùng cho nhu cầu trong nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu có mức thặng dư đáng kể (2,5 tỷ USD) và là năm thứ 3 xuất siêu liên tục…

Theo ông Thông, đây cũng là cơ sở để Chính phủ đặt mục tiêu tổng quát cho Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

Cụ thể, năm 2015, GDP tăng  6,2%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm 2014; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu  5%; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP 5%...

Khó khăn phía trước còn rất lớn

Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 đã được đặt ra với mục tiêu ở mức cao hơn so với năm 2014. Các kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 là nền tảng để nền kinh tế tiếp tục đà hồi phục.

Tuy nhiên, khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ, chính Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã nhắc nhiều đến những tồn tại của nền kinh tế trong năm 2014. Đó là việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng còn chậm; tỷ lệ thất nghiệp chung giảm, nhưng thực chất là do lao động ở khu vực chính thức phải chuyển sang làm việc trong khu vực phi chính thức; năng suất lao động xã hội thấp và có xu hướng tăng chậm lại...

“Cử tri đang rất lo lắng trước những cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, cân đối ngân sách nhà nước rất khó khăn, đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công; huy động nguồn trái phiếu chính phủ ở mức cao và việc sử dụng bội chi để bủ đắp chi thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho năm nay, mà sẽ không đủ vốn đầu tư phục vụ tăng trưởng cho các năm tiếp theo”, ông Nguyễn Văn Giàu nói.

Cũng theo ông Giàu, một con số nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận trong thời gian gần đây, đó là tỷ lệ thất nghiệp. Lý do là, với thực trạng nền kinh tế và tình hình doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong những năm qua, thì việc số liệu liên quan đến việc làm, thất nghiệp không có biến động lớn là chưa phản ánh đúng thực tế, cần đánh giá thực chất hơn, làm rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, khó khăn của các doanh nghiệp với chỉ tiêu việc làm, thất nghiệp.

“Tỷ lệ thất nghiệp chung giảm, nhưng thực chất là do lao động ở khu vực chính thức phải chuyển sang làm việc trong khu vực phi chính thức, nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, thu nhập thấp và thiếu ổn định. Năng suất lao động xã hội thấp và có xu hướng tăng chậm lại. Đời sống một bộ phận lớn công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn...”, ông Giàu nhận định.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) cho rằng, vấn đề nợ công, nợ Chính phủ đã chạm ngưỡng an toàn và vẫn tiếp tục tăng nhanh là rất đáng lo ngại. Cùng với đó là nợ xấu của hệ thống ngân hàng, bội chi ngân sách cũng tăng... Chính phủ phải chỉ rõ nguyên nhân vì sao lại như vậy.

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, vấn nạn tham nhũng ở Việt Nam là rất tệ hại, Việt Nam xếp thứ 116/175 quốc gia, vùng lãnh thổ về tham nhũng. Đi cùng với đó là sự lãng phí, như nhiều công trình xây xong không có người sử dụng, ký túc xá sinh viên, công nhân hàng trăm chỗ xây xong không có người ở. Chi hành chính, chi thường xuyên rất lớn. Bao năm nay nói giảm biên chế, nhưng không giảm được. Tất cả những thứ đó khiến nợ công, nợ Chính phủ tăng nhanh.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, dư nợ công cuối năm 2013 bằng 54,2%, dư nợ Chính phủ bằng 42,4%; dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 37,3% GDP. Dự kiến, đến hết năm 2014, dư nợ công bằng 60,3% (tăng 6,1%); dư nợ Chính phủ là 46,9% và dư nợ nước ngoài của quốc gia là 39,9% GDP.

Những câu hỏi cần có lời giải đáp

Đại biểu Lê Minh Thông cho rằng, để kinh tế 2015 ổn định và phát triển bền vững, Chính phủ cần làm rõ, đằng sau những con số hồi phục tích cực của nền kinh tế thì tác động thực sự của các đột phá chiến lược đối với sức khỏe của nền kinh tế ra sao (?). Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thu về được bao nhiêu tiền, tiền đó được sử dụng làm gì, doanh nghiệp sau cổ phần hóa làm ăn ra sao, phần vốn nhà nước sau khi thoái được dùng để làm gì…(?). Đây là những vấn đề chưa thấy báo cáo của Chính phủ phân tích cụ thể.

Một vấn đề rất đáng lo ngại khác, theo đại biểu Thông, là trong khi chúng ta nỗ lực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, thì năng suất lao động Việt Nam lại xuống rất thấp.

“Vì sao năng suất lại thấp như vậy? Chúng ta muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nhưng năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng một phần nhỏ so với Singapore, Malaysia hay Thái Lan – những nước nằm ngay gần chúng ta, thì cạnh tranh sao nổi?”, đại biểu Thông đặt vấn đề.

Trong khi đó, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng) nhận định, báo cáo Chính phủ cho rằng, kinh tế năm 2014 đã ổn định và có bước hồi phục, nhưng nhìn vào con số doanh nghiệp khó khăn, phải giải thể cho thấy, sức khỏe của nền kinh tế đang rất có vấn đề.

Trong 9 tháng đầu năm, cả nước có khoảng 48.330 doanh nghiệp (với tổng số vốn đăng ký là 408.150 tỷ đồng) gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 53.200 doanh nghiệp, giảm 8,7% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2013. Nếu lấy số doanh nghiệp thành lập mới trừ đi số doanh nghiệp phải giải thể sẽ thấy động lực tăng trưởng của nền kinh tế là rất yếu ớt.

Về phần mình, đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn đại biểu TP.HCM) đặc biệt lo ngại về vấn đề nợ công, tổng cầu của nền kinh tế suy giảm, vốn đưa vào nền kinh tế không hấp thụ được. Theo đại biểu Trần Du Lịch, các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn rất đáng lo ngại, với tổng cầu suy giảm, chỉ số hàng tồn kho tăng 13,4%, cao hơn so với 2013.

“Việc nền kinh tế chúng ta xuất siêu mấy năm qua là không có căn cơ, không nhờ tái cấu trúc gì cả, mà là do tổng cầu giảm, tiêu dùng giảm. Nếu chúng ta tăng đầu tư, tăng tiêu dùng, thì nhập siêu sẽ tăng trở lại. Đó là điều khó tránh khỏi”, đại biểu Trần Du Lịch nói.

Đó là những câu hỏi cần có lời giải đáp và có giải pháp thỏa đáng, để nền kinh tế có thể tiếp tục đà phục hồi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư