Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa phát triển được như mục tiêu, yêu cầu đặt ra
Nhung Bùi - 08/04/2023 12:49
 
Điều này đòi hỏi nhiều biện pháp cần triển khai trong thời gian tới để tháo gỡ các rào cản, tạo động lực mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển.

Kinh tế tập thể, hợp tác xã là một mắt xích quan trọng trong phát triển nông nghiệp và nông thôn. Bằng việc cung ứng các dịch vụ nông nghiệp giúp bà con yên tâm sản xuất, cũng như giúp người dân và doanh nghiệp tìm thấy nhau..., hợp tác xã giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản, tạo tiền đề để kinh tế nông thôn phát triển.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, cho thấy trong năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã khôi phục trong tất cả các ngành, lĩnh vực sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của Covid-19.

Về số lượng, ước năm 2022, cả nước có 29.378 hợp tác xã; 125 liên hiệp hợp tác xã và 71.000 tổ hợp tác. So với năm 2021, số hợp tác xã tăng 7% (tăng 2036 hợp tác xã); số liên hiệp hợp tác xã tăng khoảng 17% (tăng 18 liên hiệp hợp tác xã). Tổng số thành viên hợp tác xã là 5.935 nghìn thành viên, tăng 243 nghìn thành viên (khoảng 4%). Số hợp tác xã là thành viên của liên hiệp hợp tác xã là 851, tăng 183 hợp tác xã (khoảng 27%) so với năm 2021,…

Nhìn chung các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động của hợp tác xã đều tăng so với năm trước. Doanh thu bình quân của các hợp tác xã đạt 3.592 triệu đồng/hợp tác xã, tăng 935 triệu đồng (khoảng 35%) so với năm 2021.

Số lãi bình quân của mỗi hợp tác xã là 366 triệu đồng/hợp tác xã/năm. Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã năm 2022 là 56 triệu đồng/người (tăng khoảng 4 triệu đồng, tương đương 8% so với năm 2021).

Tuy vậy, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Kinh tế hợp tác chưa phát triển chưa được như mục tiêu, yêu cầu đã đề ra.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Lê Tiên.

“Năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao; mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp. Trình độ quản lý của cán bộ hợp tác xã còn hạn chế. Trong khi đó, cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường ngày càng khốc liệt; bất ổn chính trị leo thang; biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, phức tạp, khó lường; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra rất nhanh ở khắp cả nước; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi hợp tác xã phải có sự thay đổi và chủ động thích ứng...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại Phiên họp Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Báo cáo cụ thể của Ban chỉ đạo cho thấy các hợp tác xã gặp khó khăn khi chi phí sản xuất cao do chi phí nhiên, nguyên liệu, vật liệu đầu vào tăng cao và liên tục biến động. Khoảng 80% số lượng nông sản do hợp tác xã sản xuất được lưu thông qua các chợ đầu mối, chợ truyền thống mà phần lớn chưa có truy xuất nguồn gốc và đáp ứng tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap.

Sự phục hồi và phát triển của hợp tác xã, tổ hợp tác ở các lĩnh vực ngành nghề, vùng miền chưa đồng đều sau giai đoạn Covid-19; một số hợp tác xã bị thua lỗ, giảm sản lượng và quy mô. Nhiều hợp tác chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, chưa chú trọng liên kết chuỗi giá trị, lúng túng trong tiêu thụ đầu ra. Một số thành viên tham gia hợp tác xã còn mang tính hình thức, chưa phát huy tinh thần trách nhiệm của thành viên. Việc tiêu thụ sản xuất còn bị động, không có các hợp đồng liên kết-tiêu thụ ổn định và bền vững, dựa nhiều vào thương lái.

Đặc biệt, quá trình chuyển đổi số của các hợp tác xã diễn ra chậm. Theo khảo sát của Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh, khoảng 52% số hợp tác xã được khảo sát chưa có định hướng và kế hoạch chuyển đổi số. Cơ sở hạ tầng thông tin của phần lớn hợp tác xã ở mức thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số. Cán bộ quản trị và nhân lực của hợp tác hiểu và thực hành kỹ năng số còn hạn chế như: Kỹ năng xây dựng cơ sở dữ liệu, kỹ năng sử dụng thiết bị số, kỹ năng tìm kiếm, đánh giá và quản trị thông tin trên thiết bị số, kỹ năng sử dụng phần mềm trong quá trình sản xuất, kỹ năng truyền thông số (thông qua website, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội), kỹ năng thương mại điện tử; kỹ năng thanh toán điện tử,...

Tháo gỡ vướng mắc để kinh tế hợp tác xã phát triển

Tại cuộc họp, 12 ý kiến từ các cơ quan ban ngành, cũng như chuyên gia kinh tế đã được đưa ra để tìm giải pháp giúp hợp tác xã phát triển tương xứng với vai trò quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: "Vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã là rất quan trọng, nhưng thực tế khu vực này là yếu nhất. Phải xác định như vậy để có giải pháp phù hợp và hiệu quả".

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Theo ông Cung, với 2/3 tổng số hợp tác xã hoạt động trong khu vực nông nghiệp, Việt Nam cần xác định rõ các động lực để thúc đẩy khu vực hợp tác xã nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Đình Cung cũng đề nghị trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần quy định cụ thể về động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển. Đơn cử như phải có cơ chế để hợp tác xã thu hút nhân tài (cơ chế làm việc, tiền lương). "Một tổ chức muốn phát triển phải có tính mở, thu hút được nhân tố mới về bên ngoài", TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ nhìn nhận: Việc phát triển hợp tác xã hiện nay đang tồn tại một nghịch lý, đó là hợp tác xã đang "đòi được bình đẳng với doanh nghiệp".

Ông lý giải, các chính sách của Đảng, Nhà nước đều nhấn mạnh vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã nhưng thể chế của chúng ta thiết kế chưa thực sự tạo ra được động lực cho hợp tác xã phát triển. Đơn cử, hợp tác xã rất khó tiếp cận vốn, do không có tài sản chung để thế chấp vay vốn. Hợp tác xã cũng rất khó tiếp cận đất đai. Bên cạnh đó, hệ thống các Quỹ tín dụng nhân dân cũng chưa phát huy hết vai trò của mình…

Chính vì vậy, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) lần này phải cố gắng cập nhật cơ bản các chính sách mới, đột phá, phù hợp với thực tiễn, sát với nhu cầu của chủ thể để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ nhấn mạnh.

PGS.TS. Chu Tiến Quang, Giảng viên Khoa Kinh tế quản lý, Trường Đại học Hải Dương cho rằng hợp tác xã có chức năng kép gồm chức năng kinh tế và chức năng xã hội. Tuy nhiên, do quan điểm về chức năng này không rõ ràng, nên khi đưa ra các chính sách hỗ trợ, thì không phát huy được.

Ông cũng chỉ rõ cái khó hiện nay là nhiều người đang không hiểu sở hữu tập thể là gì, sao phải phát triển sở hữu tập thể là gì? Điều này đòi hỏi cần phải có những hội thảo, hội nghị chuyên sâu để thảo luận sâu hơn, cụ thể hơn về bản chất của kinh tế tập thể, cũng như tính chất nền tảng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến "sở hữu tập thể", động lực để phát triển "sở hữu tập thể"; phân phối trong hợp tác xã;… cần được định hướng cụ thể để mọi thành viên đều mong muốn cống hiến.

Phát triển kinh tế tập thể là phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Kinh tế tập thể, hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích phát triển. Vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã đã được khẳng định trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước và gần đây nhất là Nghị quyết số 20-NQ/TW ban hành năm 2022.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp.

Theo Phó Thủ tướng, trong việc xây dựng thể chế để phát triển kinh tế tập thể, khó nhất là vấn đề phân phối. "Làm ra đã khó, nhưng tổ chức phân phối để đảm bảo công bằng và phát triển bền vững còn khó hơn".

Chính vì vậy, ông đề nghị quá trình soạn thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng cả về lý luận và thực tiễn; cầu thị tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, khảo sát, tổng kết kinh nghiệm thực tế để thể chế hóa vấn đề này.

Trong năm 2023, để kinh tế hợp tác xã phát triển, Phó thủ tướng nhấn mạnh vào 4 nội dung sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW; Nghị quyết số 09/NQ-CP, ngày 2/2/2023 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW; chương trình, kế hoạch thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương và đôn đốc kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đảm bảo thống nhất, xuyên suốt trong toàn hệ thống.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; trọng tâm là dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các văn bản hướng dẫn thi hành và các cơ chế đặc thù hỗ trợ lĩnh vực kinh tế tập thể tạo tiền đề cho sự phát triển trong những năm tiếp theo.

Thứ ba, kiện toàn và nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể, kiện toàn nhân sự, bộ máy giúp việc của Ban Chỉ đạo các cấp để tạo sự thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt, toàn diện và thường xuyên trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, điều hành, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW và các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tập thể.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã, các hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp để nâng cao nhận thức của người dân và cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là việc tuyên truyền và nhân rộng mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định: “Kinh tế tập thể, hợp tác xã là mô hình kinh tế của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, là con đường để đưa nhân dân đến gần hơn với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội. Phát triển mạnh mẽ kinh tế tập thể, hợp tác xã chính là phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế xã hội, hướng đến mục tiêu "dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tiệm cận dần thông lệ quốc tế
Đánh giá của Đại sứ Canada tại Việt Nam, ngài Shawn Perry Steil về Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư