Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Kinh tế Việt Nam chịu tác động xấu của thương chiến Mỹ - Trung trong dài hạn
Lê Quân - 25/09/2019 18:37
 
Giai đoạn năm 2021 - 2023 khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung “chuyển hóa” từ phạm vi thương mại sang sản xuất, sẽ gây ra tác dụng tiêu cực đáng kể tới kinh tế Việt Nam, do đó buộc Việt Nam phải chuẩn bị tâm thế đương đầu với các thách thức.
Các đại biểu đánh giá chiến tranh thương mại không thể giải quyết trong 1 sớm 1 chiều, bởi nó không chỉ là cuộc đối đầu trên mặt trận thương mại, mà còn về công nghệ và vị thế ảnh hưởng của quốc gia. Ảnh: Lê Quân
Các đại biểu đánh giá thương chiến Mỹ - Trung không thể giải quyết trong 1 sớm 1 chiều bởi đây không chỉ là cuộc đối đầu trên mặt trận thương mại mà còn về công nghệ và vị thế ảnh hưởng của quốc gia. Ảnh: Lê Quân

Tại Hội thảo triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2020 tổ chức ngày 25/9 tại Hà Nội, ông Joseph Incalcaterra, chuyên gia kinh tế ASEAN cao cấp, thuộc Khối nghiên cứu Tập đoàn HSBC, phân tích nếu nhìn vào lịch sử biến động của tăng trưởng toàn cầu và chỉ số quản lý thu mua PMI thì hai chỉ số này đã lao dốc tương đối giống nhau tính đến đầu năm 2019 và ngành điện tử là nguyên nhân cho sự trượt dốc này.

Xét đến tăng trưởng kinh tế của các đối tác lớn của Việt Nam, đơn cử như kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,3% năm 2019 và 1.6% năm 2020 trong khi đó quốc gia láng giềng Trung Quốc dự báo tăng trưởng 6,2% năm nay và 5,8% năm 2020, còn khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng trưởng quanh mức 1%.

Những mức tăng trưởng này đều tác động đáng kể tới hợp tác kinh tế Việt Nam với các đối tác. HSBC dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% năm 2019 và giảm xuống còn 6,5% năm 2020 với chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng lần lượt 2,7% và 3,0% trong năm 2019 và 2020.

Tuy nhiên, vẫn xuất hiện những cứu cánh cho tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu, như thị trường lao động và tâm lý người tiêu dùng vẫn ở mức tích cực, các ngân hàng trung ương tại châu Á có xu hướng nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất sau động thái cắt giảm lãi suất gần đây của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong những tháng tới.

Phân tích tác động của thương chiến Mỹ - Trung, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế Thế giới của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng, trong ngắn hạn, ví dụ nửa đầu năm 2019, thương chiến Mỹ - Trung tác động tương đối tích cực đối với xuất khẩu của Việt Nam, chẳng hạn xuất khẩu sang Mỹ. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại.

Tuy nhiên, trong dài hạn, chẳng hạn từ năm 2021 - 2023 khi chiến tranh thương mại chuyển từ phạm vi thương mại sang sản xuất thì tác dụng tiêu cực tới kinh tế Việt Nam là tương đối lớn, do đó buộc Việt Nam phải chuẩn bị tâm thế đương đầu với các thách thức, bởi ranh giới giữa cơ hội và thách thức của thương chiến Mỹ - Trung rất mong manh.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ đơn thuần là căng thẳng về thương mại mà đó là sự đấu tranh quyền lực giữa hai quốc gia lớn mạnh nhất thế giới và chắc chắn căng thẳng hai bên sẽ tiếp tục kéo dài nhiều năm nữa, Chuyên gia tài chính - ngân hàng Phạm Hồng Hải nhận định.

Chiến tranh thương mại không thể giải quyết trong 1 sớm 1 chiều, bởi nó không chỉ là cuộc đối đầu trên mặt trận thương mại, mà còn về công nghệ và vị thế ảnh hưởng của quốc gia.

Dẫn báo cáo đánh giá lại 200 năm qua, trong 20 lần đấu tranh quyền lực giữa số 1 và số 2 thì thông thường đều dẫn tới chiến tranh, ông Hải nhấn mạnh hiện nay không phải là chiến tranh bằng vũ lực mà chiến tranh trên mặt trận thương mại và công nghệ.

Hiện chưa có đánh giá cụ thể các nền kinh tế trên thế giới sẽ bị phân cực ra sao, nhưng một số chuyên gia cho rằng sẽ xuất hiện sự phân cực, trong đó 1 nhóm nền kinh tế tập trung cung ứng cho thị trường Trung Quốc và 1 nhóm khác cung ứng cho thị trường Mỹ, bởi căng thẳng thương mại như hiện nay sẽ cản trở giao thương giữa hai siêu cường kinh tế.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Việt Nam may mắn có những yếu tố vĩ mô thuận lợi để giữ ổn định nền kinh tế trước tác động của thương chiến Mỹ - Trung. “Chúng ta có thặng dư thương mại, thu hút tốt đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và môi trường kinh doanh rất ổn định, hơn nữa dự trữ ngoại hối cũng tăng lên tích cực,” ông Hải nói thêm.

Nếu Trung Quốc chủ động phá giá đồng Nhân dân tệ để hàng hóa Trung Quốc trở nên cạnh tranh trước thuế quan của Mỹ, thì vô hình chung gây tạo bất lợi cho Việt Nam và nhiều thị trường trên thế giới.

Trong năm nay và 2020, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể giữ tỷ giá ổn định, ông Phạm Hồng Hải dự báo.

Trên thị trường tiền tệ và lãi suất, theo xu hướng chung của các ngân hàng trung ương trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ giữ ổn định chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Trước các bất ổn hiện nay, các ngân hàng trung ương đa phần sẽ nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.

“Chúng ta kỳ vọng sẽ có sự điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất trên thị trường giống như Cục dự trữ liên bang Mỹ đã hạ lãi suất gần đây (25 điểm phần trăm), ông Phạm Hồng Hải nhận định.

Chuyên gia này cho rằng, Fed được kỳ vọng hạ lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm nay và 2-3 lần năm 2020. Đây là xu hướng chung đối với lãi suất để đảm bảo có bước đệm tương đối ổn định trong trường hợp căng thẳng thương mại leo thang và những bất ổn khác của nền kinh tế thế giới.

Fed và thương chiến
Trong tuần qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất thêm 0,25%, đưa lãi suất vốn ngắn hạn (Fed funds rate) xuống 1,75%. Thị trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư