Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Kỳ vọng lợi nhuận ngân hàng khởi sắc trong năm 2025
Thùy Vinh - 10/01/2025 08:14
 
Kết thúc năm tài chính 2024, hầu hết ngân hàng hoàn tất chỉ tiêu kinh doanh và kỳ vọng tình hình năm sau khởi sắc hơn khi tín dụng tăng, biên lãi ròng cải thiện hơn.

Cầu vốn trở lại khi kinh tế hồi phục

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra ở mức 16%. Giới phân tích tài chính dự báo, tín dụng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 15-16% năm nay.

Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), câu chuyện định hình ngành ngân hàng năm 2025 gồm tín dụng, biên lãi ròng (NIM) và chất lượng tài sản. Trong đó, năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế gần 8%, thì tín dụng dự kiến tăng trưởng 16-17%, nhưng sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng.

NIM của các ngân hàng tại Việt Nam có xu hướng đi xuống, đạt khoảng 4,5%, nhưng vẫn cao hơn so với một số thị trường trong khu vực. Theo bà Hiền, lãi suất đầu vào có xu hướng đi ngang, nhưng lãi suất cho vay sẽ giảm. Do đó, ngân hàng nào giải quyết được bài toán đầu vào - đầu ra, sẽ có khả năng sinh lợi nhuận cao.

Với bối cảnh kinh tế vĩ mô dự kiến cải thiện hơn trong năm 2025, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức 16%. Dư địa tăng trưởng có thể đến từ các ngành công nghệ thương mại, sản xuất và các công ty đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, nhu cầu tín dụng phục hồi tập trung nhiều vào ngành xây dựng và bất động sản.

Còn Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm 2025 ở mức 15%, tương đương mục tiêu năm 2024 và cao hơn tăng trưởng GDP danh nghĩa (~10%). Lý do là, nền kinh tế dự báo tiếp tục phục hồi trong năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%; đầu tư công được đẩy mạnh và kỳ vọng tăng vượt bậc trong giai đoạn 2026-2030.

Bên cạnh đó, dự báo, kênh trái phiếu doanh nghiệp chưa sớm phục hồi, làm gia tăng vai trò của kênh tín dụng ngân hàng. Thị trường bất động sản năm 2025 sẽ phục hồi dần cùng với việc thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, từ đó kích thích nhu cầu tín dụng gia tăng, qua đó hỗ trợ cho lợi suất cho vay của các ngân hàng trong nửa cuối năm. NIM năm 2025 của các ngân hàng trong danh mục phân tích của ACBS được kỳ vọng tăng 0,05 điểm % so với năm 2024.

Năm 2025, lãi suất huy động sẽ đi ngang khi NHNN tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tín dụng. Lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức thấp đến giữa năm 2025 theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế, song có sự phân hóa giữa các nhóm ngành ngân hàng. Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, NHNN sẽ tiếp tục giữ các mức lãi suất chính sách như hiện nay trong một chính sách tiền tệ trung hòa vài tháng đầu năm 2025.

Lợi nhuận sẽ tăng trên 10%

Tiềm năng mở rộng NIM mạnh mẽ thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ và tiền gửi không kỳ hạn (CASA), chất lượng tài sản tốt, tập khách hàng có khả năng trả nợ hồi phục nhanh chóng. Theo VCBS, trong bối cảnh NIM nhích nhẹ và tăng trưởng tín dụng có thể đạt 14-15%, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng 15% vào năm 2025 và có sự phân hóa mạnh.

Theo đó, các ngân hàng quốc doanh được kỳ vọng báo cáo lợi nhuận tăng trưởng 12%, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân năng động có lợi nhuận tăng trưởng tới 20%. Các ngân hàng còn lại, thường có quy mô nhỏ hơn, sẽ chứng kiến lợi nhuận chỉ khiêm tốn 8%.

Dù NIM được dự báo cải thiện ở mức khiêm tốn, với mức tăng bình quân dưới 0,1 điểm % so với năm 2024, nhưng một số ngân hàng sẽ có sự phục hồi vượt trội nhờ chiến lược đặc biệt. Đơn cử, Techcombank có thể cải thiện NIM 0,15% nhờ chi phí vốn thấp và chính sách lãi suất linh hoạt.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính phân tích, lợi nhuận trước thuế năm 2024 của ngành ngân hàng tăng 14%, khi NIM chưa thể cải thiện. Bước sang năm 2025, kỳ vọng lợi nhuận ngành sẽ tăng trưởng đến từ tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng, trong khi NIM tiếp tục đi ngang. Về định giá nhóm ngành ngân hàng trên thị trường chứng khoán, sau giai đoạn tái cấu trúc, ROE của ngành đã thay đổi, P/B nhích nhẹ và đang dao động ở dưới độ lệch chuẩn.

Tuy nhiên, nợ xấu có xu hướng tăng cũng đòi hỏi các ngân hàng tăng trích dự phòng rủi ro, tác động đến lợi nhuận, nhất là những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp. Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu MBS đánh giá, nợ xấu trung bình các ngân hàng niêm yết đã tăng lên 2,6% vào cuối quý III/2024, nợ nhóm 2 có xu hướng tăng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu là vấn đề đáng quan ngại khi tỷ lệ này đang giảm.

Năm 2025 có thể là giai đoạn toàn ngành làm dày bộ đệm LLCR (tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu) khi phần tích lũy trong giai đoạn Covid-19 đã không còn, dư địa để sử dụng bộ đệm dự phòng kiểm soát nợ xấu không còn nhiều. Các ngân hàng có mức LLCR cao sẽ có lợi thế trong việc đối phó với áp lực chi phí tín dụng trong năm 2025 và ngược lạih việc trích lập dự phòng ở mức tương đối thấp trong giai đoạn 2023-2024 khiến áp lực trích lập dự phòng trong năm 2025 vẫn sẽ ở mức cao, ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Bức tranh lợi nhuận ngân hàng có xám màu?
Các ngân hàng bắt đầu hé lộ kết quả kinh doanh quý III/2024, với bức tranh lợi nhuận xen lẫn “sáng - tối”. Trong đó, không ít nhà băng có lợi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư