Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Lại dồn dập lừa đảo qua điện thoại cố định
Hoàng Nam - 31/10/2014 16:04
 
Nhiều gia đình tại Hà Nội nhận được các cuộc gọi thông báo đến số thuê bao cố định về việc nợ tiền cước hàng triệu đồng. Các cuộc gọi đến số cố định này yêu cầu chủ thuê bao phải đóng tiền trong vòng 2 tiếng nếu không sẽ bị cắt thuê bao.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Giả hài cốt liệt sỹ, "cậu Thủy" chiếm đoạt khoảng 8 tỷ đồng
60 lái xe taxi bị 'thần chém gió' là 'thiếu gia Hà thành' lừa đảo
Vụ lừa đảo tại Cty Khải Thái: Thu giữ số tiền mặt khổng lồ
Dân chơi điếng người mua số Vip, vài ngày là... tò tí te
Cảnh giác với chiêu lừa “nạp thẻ cào x10”
Khởi tố thêm 3 đối tượng vụ án lừa đảo qua điện thoại
Lúng túng xử lý chuyện phòng the "nhảy" vào OTT

Sáng ngày 31/10, nghe tiếng chuông điện thoại cố định tại gia đình reo, chị T. H, ở đường Tây Hồ, quận Tây Hồ, Hà Nội, có số thuê bao cố định 04.3.718xxxx nhấc máy và nhận được thông báo “đây là tổng đài tự động của VNPT, hiện tại số thuê bao này đang nợ 8,01 triệu đồng tiền cước điện thoại. Yêu cầu chủ thuê bao đóng tiền trong vòng 2 tiếng đồng hồ nếu không sẽ bị cắt liên lạc. Nếu bạn nghe chưa rõ thì nhấn phím số 9 để nghe lại hoặc nhấn phím số 0 để gặp trực tiếp nhân viên hướng dẫn”.

  Lại dồn dập lừa đảo qua điện thoại cố định  
  Số điện thoại 0046582000 yêu cầu chị T.H ở Tây Hồ
đóng hơn 8 triệu đồng tiền nợ cước thuê bao
 

Thông tin này khiến chị H. rất bất ngờ bởi số điện thoại cố định hiện tại của gia đình đã cắt gọi di động, cắt tất cả các cuộc gọi đến những dịch vụ trả tiền tốn kém như bình chọn bài hát, đọc truyện cho trẻ em… sau vụ việc người giúp việc ở nhà rảnh rỗi không biết làm gì nên gọi tứ tung khiến hóa đơn tiền điện thoại cố định có tháng lên tới trên 1 triệu đồng.

Đáng nói là giờ gia đình nhà chị không có người giúp việc, các thành viên gia đình hàng ngày đi làm và đi học cũng như đều có điện thoại di động để tiện liên lạc. Hàng tháng số tiền điện thoại cố định phải trả chỉ dao động trong khoảng trên dưới 50.000 đồng.

Mang thắc mắc này sang bày tỏ với ông bà hàng xóm 70 tuổi ở cạnh vốn được chị gửi tiền để đóng hộ các loại tiền điện, nước, điện thoại hàng tháng thì được biết, gia đình họ hôm qua cũng nhận được cuộc gọi tương tự, thông báo nợ tiền thuê bao cước điện thoại hơn 8 triệu đồng và dọa cắt liên lạc nếu không nộp tiền trong vòng 2 giờ kể từ lúc thông báo. Một số gia đình trong khu vực cũng đã cho biết họ cũng có nhận được 1 cuộc gọi tương tự thông báo nợ tiền như trên.

“Con tôi bảo đấy là lừa đảo, nếu mình gọi lại sẽ được hướng dẫn nộp tiền vào 1 tài khoản họ đưa ra và cuối cùng mất tiền”, bà hàng xóm nói.

Do điện thoại cố định của gia đình có gắn chức năng lưu số các cuộc gọi đến nên chị H. đã chụp lại màn hình và nhận diện số điện thoại gọi đến thông báo tin nợ tiền là 0046582000.

Hiện nay, dù thuê bao thông tin di động rất phát triển nhưng nhiều gia đình vẫn duy trì số điện thoại cố định tại nhà do người già hay nhớ nhớ, quên quên các đồ dùng và quản lý thời gian ở nhà của con trẻ nên việc nhận được các thông tin này cũng khiến các cụ già lo lắng.

Hồi cuối năm 2013, việc lừa đảo thông qua thông báo nợ tiền cước tới các số điện thoại cố định cũng đã rộ lên ở TP. HCM.

Khi đó, đại diện Viễn thông TP.HCM xác nhận đúng là có hiện tượng cá nhân mạo danh nhà mạng đi đòi nợ khách hàng. Diễn tiến chung của hiện tượng này là khách hàng sử dụng dịch vụ điện thoại cố định của VNPT tại TP.HCM nhận được các cuộc gọi nhắc nợ cước tự động từ các số như: 0013xxx, 00886xxx, 96111, các số di động (sim rác) hoặc giả mạo số 18001090 với nội dung: “Thuê bao của quý khách đang nợ cước với số tiền 8.xxx.000 đồng. Vui lòng thanh toán ngay trong vòng hai giờ. Nếu không, thuê bao của quý khách sẽ bị khóa. Để biết thêm chi tiết vui lòng bấm phím 9, để gặp tổng đài viên vui lòng bấm phím 0”. Nếu làm theo khách hàng sẽ bị mất tiền cước cuộc gọi đi từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn đồng.

Khi người dùng nhấn phím 9 hoặc 0 để được hỗ trợ hoặc gặp nhân viên tổng đài như trong thông báo của cuộc gọi cũng chính là lúc kẻ lừa đảo làm “đảo chiều” cuộc gọi. Lúc này, người dùng biến thành người thực hiện cuộc gọi nhưng người dùng lại không hay biết. Tùy vào số gọi đến mà cước phí người dùng phải trả có thể lên đến hàng trăm nghìn đồng.

Chẳng hạn, nếu gọi đến đầu số 1900xxxxxx thì mức cước phí cao nhất có thể lên đến 15.000 đồng/phút. Đặc biệt nếu gọi đến đầu số +886xxx (là các số sử dụng dịch vụ điện thoại vệ tinh quốc tế) thì cước phí 90.000-150.000 đồng/phút. Sau đó các đối tượng này sẽ trục lợi từ việc hưởng cước phí do người dùng thực hiện cuộc gọi đi.

Tại Hà Nội, cách đây vài tháng cũng đã diễn ra tình trạng một số đối tượng gọi điện từ các số điện thoại thông qua mạng Internet đến số máy cố định của nhà riêng (hoặc cơ quan) thông báo việc bắt cóc thân nhân và phải chuyển tiền ngay cho chúng qua tài khoản ngân hàng, nếu không sẽ xâm hại tính mạng nạn nhân.

Cụ thể, đối tượng gọi điện từ các đầu số +313851668, +313850018, +36022... đến một người nào đó, cho nghe tiếng “kêu cứu” giả giọng thân nhân gia đình với nội dung bị bắt cóc. Khi người nhận được điện thoại tin là người thân bị bắt cóc thật thì bọn tội phạm yêu cầu chuyển tiền cho chúng.

Trước thực tế này, các gia đình có lắp điện thoại cố định tại nhà riêng cần trang bị và thông tin cho những người thân trong nhà để lưu ý, tránh bị lừa đảo, mất tiền khi nhận các cuộc gọi tương tự.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư