Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Lãi suất cho vay vẫn duy trì mức thấp từ nay đến quý IV/2024
Thùy Vinh - 04/07/2024 10:51
 
Ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối Khách hàng cá nhân (Ngân hàng Shinhan Việt Nam) cho rằng, dù chi phí đầu vào của các ngân hàng tăng nhẹ theo lãi suất huy động, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp ít nhất từ nay đến quý IV/2024.
Ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối Khách hàng cá nhân (Ngân hàng Shinhan Việt Nam).

Mặt bằng lãi suất huy động đang tăng, nhưng Chính phủ yêu cầu các ngân hàng duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp. Ông nghĩ sao về mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đề ra trong năm nay?

Trong môi trường kinh doanh biến động nhanh như hiện nay, thì các chỉ tiêu, mục tiêu không nhất thiết phải cố định, mà cần linh hoạt… Trong đó, tăng trưởng tín dụng là một trong những chỉ số cần linh hoạt.

Trong 6 tháng đầu năm, lãi suất cho vay bình quân trên thị trường đã rất thấp, nhưng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ gần 5%, không dễ để tăng trưởng hết 10% còn lại trong 6 tháng cuối năm. Lý do là, trong bối cảnh tỷ giá tăng mạnh, lạm phát không mấy thuận lợi…, thì về lý thuyết, cần tăng lãi suất để thu hút tiền đồng, không quá nới lỏng chính sách tiền tệ…, nhưng vẫn cần duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo ông, việc tăng lãi suất cho vay liệu có độ trễ so với lãi suất huy động?

Hiện hầu hết các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động và động thái này có thể bắt đầu tác động lên lãi suất cho vay từ quý IV/2024, khiến các ngân hàng, để có thể đẩy mạnh hoạt động tín dụng, phải tiếp tục thu hẹp tỷ suất lợi nhuận, tiết giảm chi phí hoặc giảm mục tiêu lợi nhuận cả năm…, mới duy trì được mức lãi suất thấp như hiện nay.

Cân nhắc tất cả các yếu tố trên, tôi cho rằng, các động lực duy trì lãi suất thấp hoặc ít nhất là chỉ tăng nhẹ của các ngân hàng vẫn cao hơn khả năng lãi suất tăng nhanh trong thời gian tới. Mặt bằng lãi suất huy động đang tăng nhẹ, song lãi suất cho vay sẽ còn duy trì ở mức thấp.

Tình hình cho vay bán lẻ nửa đầu năm của Shinhan Việt Nam ra sao và dự báo 6 tháng cuối năm 2024 sẽ thế nào?

Trong 6 tháng đầu năm 2024, đặc biệt từ sau Tết Âm lịch, chúng tôi luôn nỗ lực đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân, chấp nhận giảm bớt lợi nhuận, chia sẻ khó khăn với khách hàng, nên liên tục giảm sâu lãi suất cho vay mua nhà, mua xe và tín chấp tiêu dùng (giảm khoảng 1,5%/năm so với tháng 12/2023). Kết quả là, tín dụng bán lẻ tăng khả quan trên 8% trong 6 tháng đầu năm - cao hơn mức trung bình ngành, còn tăng trưởng tín dụng toàn Ngân hàng đạt hơn 12%.

Trong 6 tháng cuối năm, chúng tôi kỳ vọng nhu cầu vay vốn sẽ tăng, đặc biệt từ giữa quý III đến hết quý IV, chủ yếu bởi tình hình kinh tế vĩ mô và năng lực vay vốn của người dân sẽ tích cực hơn. Tuy vậy, một số yếu tố vĩ mô quan trọng có ảnh hưởng đến ngành ngân hàng như lạm phát, tỷ giá, tăng trưởng GDP… vẫn còn nhiều biến động khó lường.

Trong bối cảnh đó, ngân hàng nào có mức tăng trưởng tín dụng thấp trong 6 tháng đầu năm sẽ muốn đẩy mạnh trong các tháng còn lại và có thể ngược lại đối với các ngân hàng có mức tăng trưởng nhanh hơn. Shinhan Việt Nam thuộc nhóm thứ hai do đã có mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân trong 6 tháng đầu năm. Vì vậy, sự khác biệt trong bức tranh tăng trưởng giữa các tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm sẽ giảm dần trong 6 tháng còn lại.

Shinhan Việt Nam đưa ra những giải pháp nào để duy trì lãi suất cho vay thấp, thưa ông?

Chúng tôi có các giải pháp chính sau đây để duy trì mức lãi suất cho vay cạnh tranh. Đó là thu hút tiền gửi có chi phí thấp, chủ yếu là nguồn tiền từ các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; quản lý tài sản hiệu quả, duy trì đủ thanh khoản để hỗ trợ hoạt động cho vay.

Bên cạnh đó, quản lý tốt các quy trình chung và quy trình xử lý khoản vay với công nghệ hiện đại, từ đó có thể giảm chi phí vận hành nói chung và chi phí quản lý tín dụng nói riêng; đa dạng hóa danh mục cho vay nhằm phân tán rủi ro trên các loại khoản vay và phân khúc khách hàng khác nhau, giúp duy trì lãi suất thấp hơn cho nhóm các sản phẩm và khách hàng mục tiêu.

Trong các biện pháp trên, giải pháp thu hút tiền gửi chi phí thấp là quan trọng nhất. Tuy vậy, trong nửa cuối năm, diễn biến có thể không thuận lợi, bởi hầu hết các ngân hàng đang tăng lãi suất huy động và động thái này sẽ tác động lên lãi suất cho  vay từ quý IV/2024 và quý I/2025.

Tuy vậy, lãi suất cho vay không nhất thiết biến động cùng chiều với lãi suất huy động, mà còn tùy vào mục tiêu và năng lực của mỗi ngân hàng, vào ý chí và sự điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Cân nhắc các yếu tố trên, tôi cho rằng, lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp hiện nay và có thể tăng nhẹ từ quý IV/2024.

Ngân hàng hạ lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng
Để kích cầu vốn tín dụng, các ngân hàng cạnh tranh lãi suất cho vay mới, mức thấp nhất xuống 5-6%/năm, áp dụng với cả khách hàng cá nhân.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư