Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Lãi suất tiết kiệm đã tăng 0,5% so với đầu năm
T.V - 17/05/2022 17:15
 
Mặt bằng lãi suất huy động tăng khoảng 0,3-0,5 điểm% so với cuối năm 2021 ở hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần (ngoại trừ ngân hàng có vốn nhà nước), nhằm thu hút tiến tiết kiệm.

Áp lực lãi suất tiền gửi đi tăng

Báo cáo thị trường tiền tệ mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho biết biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân tiếp tục được điều chỉnh tăng nhẹ trong những ngày đầu tháng 5/2022 ở một số ngân hàng vừa và nhỏ. 

Trong khi đó lãi suất huy động dành cho khách hàng tổ chức cũng được điều chỉnh tăng khoảng 0,2 điểm % ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn.

Ngoại trừ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước chưa ghi nhận sự điều chỉnh, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,3-0,5 điểm% so với cuối năm 2021 ở hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng mạnh trong 4 tháng đầu năm.

Theo SSI, áp lực tăng lãi suất huy động còn được thể hiện qua chênh lệch giữa tín dụng – huy động vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm nay.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tín dụng tính đến ngày 25/4 đã tăng 6,75% so với cuối 2021 (tương đương 16,4% so với cùng kỳ) trong khi huy động vốn chỉ tăng 3,55% (tương đương 10,7% so với cùng kỳ).

Cầu vốn tăng mạnh sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các ngân hàng tăng lãi suất huy động chuẩn bị thanh khoản đáp ứng tín dụng tăng cao trong các quý cuối năm.

Bên cạnh đó, áp lực tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng được cho đang tác động lên lãi suất tiền đồng tăng, nhất là khi lộ trình Fed đưa ra sẽ có thêm nhiều lần tăng lãi suất trong thời gian tới để kiểm soát lạm phát tăng cao. 

Trước các yếu tố tác động bên ngoài gây sức ép hiện nay, Việt Nam liệu có thay đổi chính sách tiền tệ giữa lúc áp lực lạm phát xuất hiện, Fed tiếp tục tăng lãi suất... cũng là vấn đề được thị trường quan tâm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích của SSI, các yếu tố nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay vẫn được duy trì và trong ngắn hạn sẽ không xuất hiện rủi ro đối với những thay đổi trong chính sách, cả về tiền tệ và tài khóa.

Chính sách tiền tệ trong tầm kiểm soát

SSI nhận định, mặc dù rủi ro từ xung đột Nga - Ukraine kéo dài, Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát COVID-19 hay Fed tiếp tục thực hiện tăng lãi suất càng rõ nét, song dữ liệu kinh tế tháng 4/2022 vẫn cho thấy triển vọng tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng trong năm 2022 đến từ nhu cầu tiêu dùng nội địa, hoạt động xuất khẩu, giải ngân vốn FDI và tăng trưởng tín dụng tiếp tục đà hồi phục và giúp chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2022 là 6,8%.

Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công – một công cụ thúc đẩy tăng trưởng cũng đã được cải thiện trong tháng 4 và được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới.

Dẫn dữ liệu vĩ mô cập nhật tình hình kinh tế - xã hội tháng 4/2022 của Tổng cục Thống kê, SSI cho biết hoạt động sản xuất mở rộng đà phục hồi trong tháng 4, thể hiện qua sự cải thiện của chỉ số sản xuất công nghiệp.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,4% so với cùng kỳ (so với mức tăng 9,1% trong tháng 3), trong đó đóng góp chủ yếu đến từ lĩnh vực chế biến chế tạo (tăng 11,3% so với cùng kỳ - cao hơn mức tăng trưởng của tháng 4 trong hai năm trước dịch COVID 2018 – 2019).

Trong các nhóm ngành cấp 2, sản xuất điện tử (+16,6%), dệt may (+20,5%), đồ nội thất (+10,3%) và kim loại (+8,3%) là những nhóm ngành ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong tháng và cũng phần nào thể hiện chính sách “Không COVID” chặt chẽ của Trung Quốc chưa tác động ngay lập tức tới ngành sản xuất của Việt Nam.

Số lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước và do đó áp lực về việc thiếu hụt lao động như các nước phát triển là chưa nhiều.

Về hoạt động thương mại, ước tính sơ bộ của Tổng cục Thống kê cho thấy tín hiệu tích cực. Về các mặt hàng xuất khẩu, số liệu tháng 4 cho thấy xuất khẩu ngành sản xuất truyền thống tiếp tục duy trì đà tăng mạnh.

Về tiêu dùng, doanh thu bán lẻ và dịch vụ lần đầu tiên kể từ tháng 4/2021 ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ nhờ nhu cầu nội địa tăng mạnh cũng như sự phục hồi của hoạt động du lịch. 

Một điểm đáng chú ý trong tháng là lượng khách du lịch quốc tế đã tăng gấp 3 lần so với tháng trước, kể từ khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn biên giới quốc tế.

Các chuyên gia phân tích nhận định, trong tháng 5/2022, hoạt động du lịch nội địa được kỳ vọng sẽ tiếp tục bùng nổ và Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games giúp doanh số bán lẻ tiếp tục được cải thiện.

Còn về đầu tư, tính đến cuối tháng 4/2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 18,5% kế hoạch năm 2022 (thấp hơn so với mức 18,65% cùng kỳ). Nhưng xét theo số tuyệt đối, hoạt động giải ngân ghi nhận mức tăng 11,3% so với cùng kỳ. 

SSI Research kỳ vọng việc giải ngân sẽ tích cực hơn trong giai đoạn tới, nhất là sau cuộc họp Quốc hội vào cuối tháng 5 khi các rào cản về pháp lý có thể giải quyết.

Bên cạnh đó, lạm phát là yếu tố đang thu hút nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây. CPI tháng 4 tăng 2,64% so với cùng kỳ (từ mức 2,4% trong tháng 3). CPI bình quân tăng 2,1% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với mức tăng 0,9% trong 4 tháng năm 2021.

Lạm phát cơ bản chỉ tăng trung bình 0,97% trong 4 tháng đầu năm. Như vậy, các chuyên gia của SSI cho rằng, áp lực lên việc điều hành lãi suất và chính sách tiền tệ cho đến thời điểm hiện tại vẫn đang trong tầm kiểm soát. 

Lãi suất tiết kiệm sẽ thoát đáy
Mặt bằng lãi suất tiết kiệm được cho là sẽ thoát đáy sau một thời gian giảm sâu, song lãi suất cho vay khó sớm tăng trở lại.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư