Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lãi suất tiết kiệm sẽ thoát đáy
Thùy Vinh - 11/01/2021 16:38
 
Mặt bằng lãi suất tiết kiệm được cho là sẽ thoát đáy sau một thời gian giảm sâu, song lãi suất cho vay khó sớm tăng trở lại.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Lãi suất tiết kiệm chạm đáy

Ngân hàng Techcombank đang áp dụng mức lãi suất tiết kiệm thấp nhất thị trường hiện nay, mức cao nhất chỉ 5,3%/năm với kỳ hạn 36 tháng, kỳ hạn 1 tháng là 2,35 - 2,8%/năm, 3 tháng từ 2,5- 2,9%/năm, 6 tháng từ 3,8 -  4,4%/năm, 12 tháng từ 4,3 - 4,9%/năm… Trong khi đó, các ngân hàng Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV có lãi suất huy động cao nhất là 5,6%/năm.

Mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm nhẹ đầu năm 2021. Theo đó, lãi suất kỳ hạn qua đêm còn 0,15%/năm, 1 tuần còn 0,34%/năm, 1 tháng còn 0,3%/năm, 3 tháng còn 1,6%/năm, 6 tháng còn 3,66%/năm và 9 tháng còn 3,22%/năm.

Trong khi đó, tính đến tháng 12/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

Tại báo cáo về triển vọng thị trường năm 2021, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI dự báo, lãi suất sẽ thoát đáy và đi lên trong năm nay. Nguyên nhân là tăng trưởng tín dụng mạnh hơn và kinh tế phục hồi khi các nước sản xuất thành công vắc-xin phòng Covid-19, sự chuyển dịch từ trái phiếu doanh nghiệp sang tín dụng ngân hàng, tài chính tiêu dùng tăng trưởng trở lại.

Còn theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, lãi suất huy động đang ở gần mức thấp nhất trong lịch sử, nhưng lãi vay vẫn có thể giảm thêm do tác động của độ trễ. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm chi phí đi vay góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh kinh tế phục hồi.

Nhận định về mặt bằng lãi suất trong năm 2021, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh sau đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu tín dụng tăng cao hơn năm 2020, từ đó có thể kéo lãi suất tăng. Ở chiều ngược lại, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán, thanh khoản ngân hàng vẫn dồi dào sẽ giúp lãi suất ổn định.

Ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng dự báo, lãi suất huy động năm 2021 khó giảm khi đã về mức khá thấp như hiện nay.

Cạnh tranh với trái phiếu doanh nghiệp

Trong khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm sâu, thì trái phiếu doanh nghiệp ngày càng gia tăng sức cạnh tranh. Điều này khiến lãi suất tiền gửi khó có thể giảm nhiều và sẽ ổn định trong năm 2021.

Thực tế cho thấy, nhằm tạo thêm kênh đầu tư an toàn và hiệu quả, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ dành cho các khách hàng, các ngân hàng như Kienlongbank, VietA Bank, OCB, Techcombank đã giới thiệu nhiều trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất cạnh tranh.

Đơn cử, VietA Bank đang phân phối trái phiếu của Công ty cổ phần Xây dựng, Đầu tư và Phát triển Lĩnh Phong (Conic), Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) và Công ty cổ phần Capella Quảng Nam, với lãi suất từ 9,03 đến 10,45%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng. Một nhân viên tư vấn khách hàng của VietA Bank cho biết, chỉ trong hơn 2 tháng qua, một phòng giao dịch của nhà băng này đã huy động được 60 tỷ đồng từ việc tư vấn phát hành trái phiếu 3 doanh nghiệp trên cho khách hàng.

Ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, việc phát hành trái phiếu huy động vốn của doanh nghiệp là việc cần khuyến khích khi nguồn vốn ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, trong khi cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp rất lớn. Vì vậy, việc trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm ngân hàng cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, người mua nên xem xét năng lực của trái chủ.

Mừng tuyển Việt Nam, SHB tăng lãi suất tiết kiệm lên 8,7%/năm
Chào mừng những chiến thắng vang dội đồng thời tiếp lửa niềm tin cho đội tuyển quốc gia Việt Nam vô địch tại giải bóng đá Đông Nam Á (AFF...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư