Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 15 tháng 10 năm 2024,
Lạm phát đã xuống dưới ngưỡng 4%
Hà Nguyễn - 29/08/2020 14:58
 
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2020 đã chỉ còn tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát đang được kiểm soát tốt.
.
.

Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2020 tăng 0,07% so với tháng trước và giảm 0,12% so với tháng 12/2019. Đây đều là mức CPI thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn từ 2016 trở lại đây, tốc độ tăng CPI tháng 8 so với tháng trước lần lượt là 0,1%; 0,92%; 0,45%; 0,28%; 0,07%.

Còn nếu là tháng 8 so với tháng 12 năm trước, thì các con số là tăng 2,58%; 1,23%; 2,59%; 1,87%; và giảm 0,12%.

Điều quan trọng, với mức tăng thấp của tháng 8/2020, bình quân 8 tháng, CPI chỉ còn tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy là đúng với dự báo của các chuyên gia kinh tế, CPI bình quân sẽ giảm dần.

Hiện sau 8 tháng, CPI bình quân - chỉ số được lấy để tính lạm phát của Việt Nam - đã về dưới ngưỡng 4%. Như vậy là ở thời điểm hiện tại, mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong năm nay đang được thực hiện tốt. 

Quay trở lại với diễn biến giá cả thị trường tháng 8/2020, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng này tăng so với tháng trước chủ yếu do ảnh hưởng của cơn bão số 2 và mưa trên diện rộng làm giá rau tăng.

Bên cạnh đó, việc giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thuận lợi, đạt ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây, cũng ảnh hưởng tới mức tăng chung của CPI.

Việc giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ cũng có tác động tới CPI của cả nước.

Số liệu thống kê cho thấy, trong mức tăng 0,07% của CPI tháng 8/2020 so với tháng trước, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng.

Trong đó, nhóm giáo dục tăng nhiều nhất, với 0,18% và nguyên nhân là do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2020-2021. Cộng thêm việc giá các mặt hàng sách vở, đồ dùng học tập cũng tăng do nhu cầu mua sắm để chuẩn bị cho năm học mới, đã làm CPI chung tăng 0,01%. 

Tiếp theo, là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - tăng 0,11%. Trong đó, lương thực tăng 0,6%; thực phẩm tăng 0,08%. 

Nhóm giao thông tăng 0,1% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 28/7/2020 và điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 12/8/2020, làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 0,41%. 

Có cùng mức tăng 0,1% là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng. Nhóm hàng này tăng giá chủ yếu chủ yếu do giá điện, nước sinh hoạt tăng lần lượt là 0,39% và 0,48%, và do giá dầu hỏa tăng 1,93%, giá gas tăng 0,55%. 

Ngoài ra, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,05%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,2%. 

Trong khi đó, do tác động của dịch Covid-19, nhu cầu du lịch của người dân giảm mạnh, nên nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,2%. 

Ngoài nhóm bưu chính - viễn thông vẫn giảm lâu nay (giảm 0,05%); thì tháng 8/2020, nhóm may mặc, mũ nón và giày dép cũng giảm 0,03%. Riêng nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình không thay đổi.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 8/2020 giảm 0,01% so với tháng trước và tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 2,66% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, giá vàng trong nước cũng tăng theo giá vàng thế giới. Giá vàng tăng do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các nền kinh tế. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng ngày càng gay gắt khiến vàng trở thành kênh đầu tư an toàn. 

Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/8/2020 tăng 6,14% so với tháng 7/2020. Chỉ số giá vàng tháng 8/2020 tăng 9,86% so với tháng trước; tăng 32,81% so với tháng 12/2019 và tăng 35,02% so với cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế tiếp tục suy yếu trong bối cảnh lạm phát tháng 7/2020 của Mỹ tăng và Quốc hội Mỹ chưa đạt được thỏa thuận liên quan đến gói cứu trợ mới để giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và duy trì đà phục hồi kinh tế. 

Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2020 giảm 0,07% so với tháng trước; tăng 0,16% so với tháng 12/2019 và giảm 0,23% so với cùng kỳ năm trước.

Đại dịch COVID-19 có thể "thổi bùng" lạm phát tại Nhật Bản
Nhiều năm qua, BOJ tích cực in tiền nhằm thúc đẩy sức tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này và đạt tỷ lệ lạm phát ở mức 2%.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư