Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Nhật Bản
Nguyên Đức - 11/12/2013 14:23
 
Ngày mai (12/12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ lên đường tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN - Nhật Bản, Hội nghị cấp cao Mê Kông - Nhật Bản và thăm chính thức Nhật Bản. Chuyến thăm được đánh giá là cơ hội để tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia.
TIN LIÊN QUAN

Thực tế, trong những năm qua, quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản đã ngày càng phát triển theo chiều sâu, với việc thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao. Sự tin cậy chính trị giữa hai nước cũng tiếp tục được củng cố, đặc biệt khi năm 2013 này, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Năm 2013, kỷ niệm 40 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN - Nhật Bản
Năm 2013, kỷ niệm 40 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN - Nhật Bản

Không chỉ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống bền chặt, mà quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng đã không ngừng phát triển.

Trong lĩnh vực đầu tư, với làn sóng đầu tư thứ 3 vào Việt Nam đang được thiết lập, Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với 5,68 tỷ USD trong 11 tháng qua. Nếu tính lũy kế, cho đến nay, Nhật Bản có 2.103 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 34,5 tỷ USD.

Còn về thương mại, Nhật hiện là đối tác thương mại song phương lớn thứ ba của Việt Nam, với kim ngạch hai chiều năm 2012 lên tới 24,7 tỷ USD. Con số này trong 11 tháng đầu năm nay là 22,933 tỷ USD.

Đặc biệt, Nhật Bản là đối tác song phương tài trợ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam trong 20 năm qua, với hơn 24 tỷ USD, trong đó riêng tài khóa 2012 là 2,3 tỷ USD. Các công trình đường giao thông, bến cảng… trên khắp đất nước Việt Nam đều có dấu ấn ODA của Nhật Bản.

Không chỉ hỗ trợ nguồn lực, Nhật Bản còn đồng hành với Việt Nam trong xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Việc hai nước cùng triển khai Sáng kiến chung Việt - Nhật, hiện đã bước sang giai đoạn 5, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là ví dụ điển hình. Mới đây nhất, Nhật Bản lại tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Có thể nói, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển mạnh mẽ trên rất nhiều lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao đến kinh tế, thương mại, rồi giáo dục - đào tạo, văn hóa, hợp tác lao động, du lịch…

Và không chỉ là hợp tác song phương, hợp tác đa phương giữa ASEAN, các nước Tiểu vùng Mê Kông, trong đó có Việt Nam, với Nhật Bản đã phát triển mạnh trong thời gian qua. Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới Nhật Bản lần này cũng là nhằm tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN - Nhật Bản, Hội nghị cấp cao Mê Kông - Nhật Bản.

Được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN - Nhật Bản, các hội nghị lần này nhằm đánh giá thành quả của quan hệ ASEAN - Nhật Bản trong 4 thập kỷ qua và thảo luận phương hướng thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Nhật Bản trong thời gian tới, tranh thủ sự hỗ trợ và hợp tác của Nhật Bản dành cho ASEAN và các nước Tiểu vùng Mê Kông trong xây dựng cộng đồng liên kết kinh tế, tăng cường kết nối, phát triển nhân lực, thu hẹp khoảng cách…

Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, vì thế, sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, đặc biệt là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển, cũng như sự phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Đầu tư từ Nhật Bản: Khẩu vị đã khác
Cùng với lượng vốn đầu tư không ngừng gia tăng, “khẩu vị” và hình thức đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam cũng đã có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư