Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Làn sóng M&A tài chính - ngân hàng sẽ tăng rất mạnh
Thùy Vinh - 23/07/2022 08:12
 
Làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) sẽ tăng rất mạnh sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.

Ông Yoshizawa Toshiki, thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), đại diện đối tác chiến lược Nhật Bản (Ngân hàng Aozora) cho rằng, làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) sẽ tăng rất mạnh sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát. M&A tài chính, ngân hàng tại Việt Nam cũng rất “nóng”, nhưng điều quan trọng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài là cần nới thêm room ngoại trong ngân hàng.

Ông Yoshizawa Toshiki, thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Ông có nghĩ rằng, làn sóng M&A sẽ tăng mạnh hơn khi đại dịch được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp đã bị tác động mạnh?

Theo đánh giá của tôi, làn sóng M&A sẽ tăng rất mạnh sau khi Covid-19 được kiểm soát. Nhưng đối với doanh nghiệp Nhật Bản, muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, họ phải thực sự hiểu, nhìn tận mắt, gặp trực tiếp các đối tác rồi mới quyết định đầu tư. Khi đầu tư vào OCB, Aozora cũng đã có rất nhiều cuộc họp trực tiếp với Ban lãnh đạo OCB, tìm được tiếng nói chung thì mới đi đến quyết định đầu tư.

Năm ngoái, khi đại dịch xảy ra, doanh nghiệp Nhật Bản không thể đến Việt Nam, nên các giao dịch M&A bị trì hoãn khá nhiều. Khi Covid-19 được kiểm soát, họ chỉ đợi Việt Nam mở cửa để sang tìm hiểu cơ hội M&A. Aozora đang hỗ trợ rất nhiều đối tác Nhật tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản ra sao? Liệu hoạt động M&A có sôi động trong năm 2022 hay không, thưa ông?

Trong làn sóng M&A tăng mạnh sau khi Covid-19 được kiểm soát, hoạt động M&A lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng sẽ rất “nóng”. Hiện Chính phủ Việt Nam có những chính sách như tư nhân hóa các doanh nghiệp, ngân hàng quốc doanh; tái cơ cấu các ngân yếu kém, thiếu vốn, không đạt chuẩn. Đây chính là cơ hội để các tổ chức nước ngoài tham gia đầu tư.

Đã có 3 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản đầu tư và trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài của các ngân hàng Việt Nam và chúng tôi là ngân hàng Nhật Bản thứ tư. Các ngân hàng cỡ trung và vừa của Nhật Bản cũng đang tìm hiểu về thị trường tài chính, M&A tại Việt Nam.

Theo ông, Việt Nam có nên nới room ngoại trong lĩnh vực ngân hàng so với quy định hiện hành ở mức tối đa 30% để thu hút vốn ngoại?

Bản thân tôi nhận thấy, không riêng Aozora, các nhà đầu tư Nhật Bản khác đều mong muốn Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước nới thêm room ngoại trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng để có thêm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Tất nhiên, 100% là tỷ lệ chúng tôi mong muốn, nhưng điều này chắc chắn khó về mặt chính sách, nên tôi mong muốn tối thiểu là 49%. Như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài có thể an tâm đầu tư mạnh mẽ hơn vào thị trường Việt Nam.

Nói vậy thì Aozora có ý định tăng vốn sở hữu tại OCB khi được nới thêm room ngoại hoặc khi ngân hàng này phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn?

Tất nhiên là có. Hiện chúng tôi nắm 15% cổ phần tại OCB và ở góc độ dài hạn, chúng tôi xem đây là khoản đầu tư rất quan trọng của mình. Ngoài việc là đối tác chiến lược, Aozora còn ký hiệp định hợp tác với OCB trong 10 năm và cứ sau 10 năm, hiệp định sẽ mặc định được làm mới lại. Aozora luôn tăng vốn theo OCB để duy trì mức tối thiểu 15% và sẽ thỏa thuận để tăng thêm tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng này khi room ngoại được nới thêm.

Với tỷ lệ sở hữu tối đa theo quy định hiện nay tại ngân hàng Việt Nam, nhiều nhà đầu tư ngoại cho rằng, họ chưa có được tiếng nói mạnh mẽ. Aozora thì sao, thưa ông?

Trong mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa 2 tổ chức, 2 định chế tại 2 đất nước khác nhau, việc duy trì và tìm được tiếng nói chung vô cùng quan trọng. Chúng tôi đánh giá rất cao OCB tinh thần phối hợp, sự chủ động trao đổi và luôn lắng nghe. Đây cũng là một trong những yếu tố để chúng tôi đầu tư và chọn OCB.

Tôi đã được nghe các câu chuyện về việc nhà đầu tư Nhật và ngân hàng Việt Nam có mối quan hệ không tốt lắm, tiếng nói của các đối tác Nhật không được lắng nghe và ghi nhận đầy đủ. Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác với OCB, Aozora luôn duy trì mối quan hệ rất tốt. Trong hợp đồng hợp tác chiến lược, điều khoản này cũng được 2 bên thỏa thuận và đồng ý.

Khi qua Việt Nam làm việc, chúng tôi được HĐQT, Ban Điều hành OCB sắp xếp văn phòng làm việc gần với văn phòng của Chủ tịch, Tổng giám đốc, từ đó dễ dàng trao đổi ngay các vấn đề cần thiết và phía OCB rất cởi mở, luôn sẵn sàng lắng nghe. Bản thân tôi và Aozora rất trân trọng điều này.  

Với tư cách là cổ đông chiến lược nước ngoài, Aozora có định hướng gì trong việc phát triển OCB thời gian tới?

Trong kế hoạch trung hạn, Aozora định hướng chính và chủ lực ở 2 mảng: khách hàng FDI Nhật Bản (có vốn đầu tư nước ngoài) và tư vấn M&A. Về phát triển khách hàng FDI Nhật Bản, theo đánh giá của chúng tôi, OCB đang đẩy mạnh phát triển mảng ngân hàng bán lẻ, nhưng khách hàng FDI chiếm tỷ trọng ít, đặc biệt là Nhật Bản. Do vậy, chúng tôi giới thiệu đến OCB những khách hàng chất lượng, uy tín để sử dụng các dịch vụ thế mạnh của OCB như tiền gửi, chuyển tiền quốc nội, quốc tế, Internet banking, các sản phẩm về thương mại.

Về hoạt động tư vấn M&A, dựa trên thế mạnh là sở hữu một mạng lưới khách hàng doanh nghiệp hiện hữu rộng khắp Việt Nam cùng với mối quan hệ thân thiết với các đối tác tổ chức tài chính trong và ngoài nước, OCB sẵn sàng cung cấp dịch vụ tư vấn M&A từ giai đoạn khởi tạo đến kết thúc. Aozora cũng có kinh nghiệm sâu và rộng ở mảng M&A tại thị trường Nhật Bản và có chiến lược mở rộng cung cấp dịch vụ M&A kết hợp kinh doanh cho các nhà đầu tư Nhật tại thị trường quốc tế, đặc biệt là với thị trường Việt Nam.

M&A tài chính - ngân hàng: Kỷ lục 1,4 tỷ USD đang chờ được phá vỡ
Thị trường mua bán-sáp nhập (M&A) lĩnh vực tài chính-ngân hàng năm 2021 diễn ra sôi động, với kỷ lục là thương vụ VPBank bán 49% vốn FE Credit cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư