Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Lành mạnh thị trường trái phiếu: “Khoanh vùng” nhà phát hành rủi ro để có biện pháp riêng
T.L - 17/12/2022 13:46
 
Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2022 sáng nay, các chuyên gia đã đưa ra nhiều kiến giải để giúp lành mạnh hóa thị trường tài chính và bất động sản, đặc biệt là TPDN.

Tại Hội thảo chuyên đề với chủ đề "Lành mạnh hoá thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững" thuộc Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2022 diễn ra sáng nay (ngày 17/12), ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, năm 2022, dù dự báo trước Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ, song tần suất và mức độ tăng lãi suất của Fed nằm ngoài dự báo của các quốc gia.

Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh, kinh tế Việt Nam không thể tránh bị ảnh hưởng. Trong tình thế khó khăn, những bất cập tích tụ của nền kinh tế đã bộc lộ, biểu hiện rõ qua diễn biến của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia đã đưa ra bức tranh chung của thị trường tài chính, trong đó nhấn mạnh đặc biệt đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.

Về nhận định thị trường trái phiếu, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, vấn đề thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và rủi ro liên thông giữa thị trường này với thị trường tiền tệ, thị trường tài sản sẽ là rủi ro mang tính trọng yếu trong năm 2023 - 2024. Chính phủ cần chỉ đạo có phương án, giải pháp cụ thể, khả thi giải quyết rủi ro trái phiếu doanh nghiệp này.

Về phía Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Cấn Văn Lực đề xuất, hai cơ quan này sớm phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh mới như hợp đồng tương lai trên chỉ số cố phiếu khác, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu đơn lẻ, hợp đồng quyền chọn... nhằm đa dạng hóa sản phẩm, khắc phục hạn chế hiện tại, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo số liệu của UBCK, khối lượng phát hành có xu hướng giảm trong thời gian qua.

Tính đến ngày 25/11/2022, khối lượng phát hành TPDN là 331.811 tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý. Về cơ cấu phát hành, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản, xây dựng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng khối lượng phát hành.

Tính đến ngày 25/11/2022, các ngân hàng thương mại phát hành chiếm 41%, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng chiếm lần lượt 28,59 % và 7,73% tổng khối lượng phát hành, doanh nghiệp sản xuất chiếm 6,72% tổng khối lượng phát hành.

Phó Thống đốc NHNN cũng cho rằng, phát triển lành mạnh thị trường cổ phiếu, trái phiếu sẽ tạo ra kênh dẫn vốn trung dài hạn, tạo nguồn vốn bền vững cho thị trường bất động sản. Ngành bất động sản tăng trưởng lành mạnh không chỉ có lợi cho ngành mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới nền kinh tế qua nhiều ngành nghề khác nhau, tạo công ăn việc làm cho lực lượng lớn lao động, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, đảm bảo nơi ăn, chỗ ở cho người dân. Sự phát triển bền vững của các thị trường này sẽ hỗ trợ động lực phát triển trung, dài hạn của nền kinh tế, củng cố vững chắc nền tảng vĩ mô ổn định.

Mấu chốt để giải quyết bất cập của thị trường tài chính hiện nay, theo các chuyên gia, vẫn là câu chuyện trái phiếu.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, huy động vốn từ TPDN hiện đã có quy mô tang trưởng lớn hơn tăng ròng tín dụng trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng trong khi huy động vốn qua thị trường chứng khoán còn rất hạn chế. Nói cách khác, kênh TPDN đã phát huy vai trò quan trọng là một kênh huy động vốn trung, dài hạn cho nguồn lực xã hội nhằm phát triển kinh tế trong những năm qua, đặc biệt là kênh TPDN riêng lẻ.

Hiện số dư TPDN đang lưu hành khoảng 1,3 triệu tỷ đồng đến từ 627 doanh nghiệp. Chào bán ra công chúng còn ít với chỉ khoảng 14 doanh nghiệp.  

Theo ông Thuân, sự khủng hoảng của thị trường TPDN hiện nay sẽ gây ra các rủi ro lớn với hệ thống tài chính cũng như tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, tâm lý nhà đầu tư tiếp tục tiêu cực khiến vai trò đầu tư của thị tường vốn giảm sút, huy động vốn mới khó khăn, tái cấp vốn khó khăn, bao gồm cả doanh nghiệp tốt, và đó tác động dây chuyền tiếp tục trên thị trường vốn.

Ngoài ra, trường hợp vi phạm nghĩa vụ nợ trái phiếu ở mức cao cũng sẽ ảnh hưởng chéo sang nợ xấu ngân hàng và thị trường chứng khoán…

Để lấy lại niềm tin cho thị trường trái phiếu, ông Thuân cho rằng, cần có liệu pháp riêng cho các nhà phát hành có rủi ro, đẩy nhanh tiến độ xử lý và tái cấu trúc nợ; có thể cho phép bán TPDN riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ nếu được ngân hàng thẩm định và bảo lãnh thanh toán…

Về trung, dài hạn, theo ông Thuân, cần tiếp tục hoàn thiện nền tảng thị trường theo 3 nhóm giải pháp: chuẩn hóa chất lượng cung hàng, hạ tầng trung gian về giao dịch và minh bạch thông tin; mở rộng nhà đầu tư định chế.

Thách thức kinh tế 2023 ngày càng rõ nét
Bài toán ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đầy thách thức, nhưng đó là mục tiêu mà kinh tế Việt Nam phải giữ được.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư