Thứ Năm, Ngày 03 tháng 07 năm 2025,
Lật tẩy đường dây lừa đảo tài chính xuyên quốc gia
Huệ Nguyễn - 03/07/2025 09:29
 
Bùi Trung Đức đã cầm đầu đường dây, thành lập hàng loạt công ty, hoạt động dưới vỏ bọc đầu tư tài chính, chứng khoán quốc tế với quy mô lớn, để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại.
Đối tượng lừa đảo tạo lập các trang web có tên gọi dễ gây nhầm lẫn với các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế để lừa nhà đầu tư 	ảnh: shutterstock
Đối tượng lừa đảo tạo lập các trang web có tên gọi dễ gây nhầm lẫn với các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế để lừa nhà đầu tư ảnh: shutterstock

Chứng khoán quốc tế (còn gọi là chứng khoán ngoại hối) là một tài sản tài chính được giao dịch trên các sàn giao dịch chứng khoán ở nhiều quốc gia khác nhau, cho phép các nhà đầu tư mua bán các cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư và các sản phẩm tài chính khác của các công ty trong và ngoài nước.

Hoạt động đầu tư trên các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế trực tuyến hiện chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Các giao dịch chủ yếu diễn ra qua các phần mềm do công ty trung gian cung cấp. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng cấu kết với nhau để tạo lập, quản lý, điều hành các trang web có tên tiếng Anh giống với tên các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế.

Tạo “vỏ bọc” đầu tư chứng khoán quốc tế

Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2022, Bùi Trung Đức (sinh năm 1992, trú tại chung cư New City Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, TP.HCM) cùng nhiều đối tượng đã tổ chức một đường dây lừa đảo đầu tư chứng khoán quốc tế với quy mô lớn, tinh vi và có tổ chức.

Nhóm này thành lập hàng chục công ty “vỏ bọc”, chia bộ máy hoạt động thành các bộ phận chuyên môn như kế toán, nhân sự, công nghệ thông tin, kinh doanh và chăm sóc khách hàng. Các bộ phận vận hành độc lập, nhưng phối hợp chặt chẽ, nhằm cùng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng trăm người.

Dù không có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, nhưng Bùi Trung Đức và đồng phạm vẫn tổ chức tư vấn đầu tư, kêu gọi người dân tham gia các “sàn chứng khoán quốc tế” thông qua phần mềm MetaTrader 4 (MT4) và MetaTrader 5 (MT5).

Cơ quan tố tụng xác định, đối với Phó Đức Nam (Mr Pips), Lê Khắc Ngọ (Mr Hunter) và một số đối tượng liên quan khác làm việc tại Công ty TNHH Strata Việt Nam, gồm: Nguyễn Thị Minh Trang, Đặng Thị Hà Như, Nguyễn Thị Bích Đào, Nguyễn Hoàn Kim Cương, Huỳnh Thị Yến Nhi…, do chưa đủ căn cứ xử lý, nên tiến hành tách hành vi để tiếp tục điều tra làm rõ.

Các trang web được nhóm lừa đảo sử dụng như ZenoMarkets, Londonex, CHMarkets, TradeTime, LPLTrade, DexInvesting… có tên gọi dễ gây nhầm lẫn với sàn quốc tế. Thực tế, đây đều là các trang web đã được lập trình sẵn, không có tính năng kết nối với thị trường tài chính toàn cầu. Mỗi sàn được gắn với một hệ thống tài khoản ngân hàng do nhóm đối tượng kiểm soát.

Các nhà đầu tư (bị hại) sẽ được nhân viên chăm sóc khách hàng (gọi là “sale”) tạo tài khoản truy cập sàn, sau đó được hướng dẫn nạp tiền ký quỹ và thực hiện các lệnh mua, bán. Mọi thao tác của người chơi đều trong tầm kiểm soát của nhóm lừa đảo.

Ban đầu, nhà đầu tư được “cho thắng” vài lệnh nhỏ, rút tiền dễ dàng để tạo niềm tin. Sau đó, nhân viên tiếp tục dụ dỗ nhà đầu tư nạp thêm tiền với lời hứa sinh lời nhanh, cam kết lợi nhuận cao. Đến khi người chơi nạp số tiền lớn hơn, họ sẽ bị “đánh rớt lệnh” hoặc tài khoản bị “cháy”, mất trắng tiền đầu tư.

Các “sale” được tuyển chọn không cần bằng cấp chuyên môn, không được đào tạo tài chính, chứng khoán. Khi vào làm, họ sẽ được huấn luyện theo một kịch bản sẵn có, được hướng dẫn cách tạo niềm tin với khách hàng, đánh vào tâm lý “lãi nhanh, rút được tiền” và dẫn dụ khách liên tục nạp tiền.

Lương cơ bản của mỗi nhân viên là 7 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn được thưởng hoa hồng 4 - 5% trên doanh số (tổng tiền khách nạp, trừ tiền rút). Những nhân viên đạt thành tích cao sẽ được nêu gương, tặng thưởng, tạo động lực tiếp tục dụ dỗ khách mới.

Mở loạt công ty để lừa đảo

Để che giấu hoạt động tội phạm, Bùi Trung Đức và đồng phạm đã thành lập ít nhất 27 công ty. Trong số này, một số công ty được dùng để tuyển dụng nhân sự, như Công ty TNHH USIN VN, Công ty TNHH

INVESTO, Công ty TNHH Tanhi. Các công ty khác như Eros Việt Nam và Sunrise Media được sử dụng để ký hợp đồng thuê máy chủ, lưu trữ cuộc gọi và thuê đầu số điện thoại dùng trong ứng dụng liên lạc Zoiper.

Đức và nhóm điều hành còn mở thêm nhiều công ty khác như Rowna, Audrey, Ambrose, DVA, Uni VN, Sysnet VN, Sodial VN… và đăng ký mở hàng loạt tài khoản ngân hàng gắn với tên pháp nhân các công ty này tại các ngân hàng khác nhau.

Để phục vụ hoạt động lừa đảo, nhóm của Đức thuê ít nhất 15 văn phòng tại nhiều địa điểm ở TP.HCM và tỉnh Bình Dương (cũ), chủ yếu ở các tòa nhà lớn như Metro Tower (quận Bình Thạnh), M Building (quận 7), Rubicon (Thủ Đức) và một số chung cư tại Thảo Điền, Mai Chí Thọ... Các văn phòng này không treo bảng hiệu, nhân viên được cấp tài khoản ẩn danh, chỉ di chuyển nội bộ, không sử dụng phương tiện công nghệ để tránh bị theo dõi.

Bên cạnh đó, các hoạt động đăng ký thành lập doanh nghiệp, thay đổi chủ sở hữu và mở tài khoản ngân hàng đều được nhóm này thuê ngoài, qua một chuỗi trung gian.

Trong đó, một số tài liệu điều tra nêu rõ, Công ty TNHH Vi Vi Nguyễn VNC (do ông Nguyễn Vũ Vi Vi làm Giám đốc) đã thực hiện thay đổi chủ sở hữu cho ít nhất 65 công ty trong đường dây của Đức, với giá 1.000 USD/hồ sơ. Các thủ tục được thực hiện theo dạng “thỏa thuận miệng”, không có hợp đồng dịch vụ nhằm tránh để lại dấu vết pháp lý.

Việc chuyển tiền của khách được nhóm này kiểm soát thông qua các bộ phận hỗ trợ nội bộ (support, checkbill, quản lý tài khoản ngân hàng). Khi khách chuyển tiền, bộ phận sale gửi ảnh hóa đơn, bộ phận support xác minh, rồi báo nhóm checkbill truy cập đường link để xác nhận đã nhận tiền. Sau đó, bộ phận này trả lại tiền nhỏ cho khách để tạo niềm tin, hoặc chuyển đến tài khoản khác theo lệnh của Phó Đức Nam, người quản lý vận hành tại Việt Nam.

Số tiền chiếm đoạt được “rửa” qua nhiều hình thức như đổi sang tiền mặt, mua vàng tại các cửa hàng kinh doanh vàng, hoặc chuyển sang tiền điện tử như USDT để tránh truy vết. Một phần tiền dùng để chi trả lương, thưởng cho nhân viên, mua sắm thiết bị, thuê văn phòng.

Lừa nhiều nhà đầu tư mua “chứng khoán quốc tế”

Từ tháng 12/2022 đến tháng 5/2023, hàng loạt nạn nhân trên địa bàn TP. Hà Nội và một số tỉnh, thành phố đã “sập bẫy” các nhóm lừa đảo tài chính, dưới vỏ bọc các sàn giao dịch quốc tế như Londonex, CHMarkets, ZenoMarket, LPLTrade, TradeTime.

Các đối tượng đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 11 tỷ đồng từ 12 người bị hại, bằng thủ đoạn mời chào đầu tư tài chính, dụ nạn nhân chuyển tiền qua các công ty “vỏ bọc”, sau đó thao túng tài khoản và chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan điều tra xác định, vụ việc lớn nhất là bà Lê Thị Anh T. bị lừa hơn 6,77 tỷ đồng qua sàn ZenoMarket. Các đối tượng Bùi Trung Đức, Thái Anh Đào, Nguyễn Văn Lộc và Phạm Anh Lộc sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng doanh nghiệp như Công ty TNHH Rowna và Công ty TNHH Ambrose để nhận tiền. Bằng cách mạo danh nhà đầu tư lớn, gửi hình ảnh “lãi khủng”, giả lập giao dịch có lời, khiến nạn nhân tin tưởng, nhiều lần nạp tiền đến khi tài khoản bị “treo”, không thể rút.

Một vụ khác, chị Trần Thị Thùy L. bị chiếm đoạt hơn 3,23 tỷ đồng qua sàn Londonex. Theo đó, sau khi làm quen với tài khoản Zalo “Ngọc My”, chị được dụ tạo tài khoản và nạp tiền vào 3 tài khoản ngân hàng mang tên các công ty “vỏ bọc”. Nhóm đối tượng sau đó liên tục đưa ra thông tin đầu tư hấp dẫn để chị L. chuyển thêm tiền, cho đến khi toàn bộ tài sản bị chiếm đoạt.

Hành vi tương tự được lặp lại ở các vụ việc tiếp theo, khi đối tượng Hoàng Thị Mỹ Hạnh (tức “Phương Ly”) xuất hiện trong 2 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tổng cộng gần 380 triệu đồng từ 2 nạn nhân bằng cách tạo lòng tin qua ứng dụng Telegram, hướng dẫn đặt lệnh “buy/sell” (mua/bán) cổ phiếu… Thực chất, toàn bộ diễn biến giá đều bị thao túng. Khi nạn nhân nạp đủ tiền, các đối tượng khóa tài khoản hoặc khiến tài khoản “âm vốn”.

Trong khi đó, đối tượng Trần Vũ Trọng Đức (tức “Hải Nam”) chiếm đoạt 299 triệu đồng của chị Vũ Thị Thu H., bằng cách đóng vai trưởng nhóm tư vấn, đưa ra các yêu cầu “muốn rút tiền, thì cần nạp thêm”, “bonus 100% khi đầu tư tiếp” để thúc ép nạn nhân chuyển tiền qua các tài khoản của Công ty TNHH Tư vấn DVA và Công ty CP 9Pay.

Một số nạn nhân khác bị các đối tượng sử dụng đồng loạt nhiều kênh liên lạc như Zalo, Telegram, Zoiper, tạo vỏ bọc chuyên nghiệp, giả danh nhân viên công ty tài chính, gửi hình ảnh chuyển tiền hàng tỷ đồng, khẳng định có “nhà đầu tư lớn đang vào cùng”, tạo lòng tin giả tạo để dụ nạn nhân nạp tiền.

Mỗi khi nạn nhân định rút tiền, nhóm lừa đảo lại đưa ra lý do “thiếu tiền duy trì lệnh”, “cần nạp để rút”, “cần thêm vốn để tránh cháy tài khoản”. Tổng cộng, Bùi Trung Đức và đồng phạm đã sử dụng hơn 10 tài khoản ngân hàng đứng tên công ty như Rowna, Ambrose, SODIAL, UNI VN, Tư vấn DVA, để hợp thức hóa dòng tiền lừa đảo.

Cơ quan tố tụng xác định, chỉ trong 12 vụ việc, nhóm đối tượng trên đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 12 bị hại, với số tiền lên tới hơn 11 tỷ đồng. Các nạn nhân đều yêu cầu được hoàn trả số tiền đã bị chiếm đoạt.

Công an tỉnh Bắc Ninh phá đường dây lừa đảo có hơn 13.000 bị hại
Công an tỉnh Bắc Ninh phối hợp với một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an triệt phá đường dây lừa đảo, chiếm đoạt gần 1.000 tỷ đồng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư