Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Lễ hội Sen Đồng Tháp lần I - năm 2022: Nâng tầm vị thế đất sen hồng
Huy Tự - 18/05/2022 08:27
 
Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ I - năm 2022 diễn ra từ 19/5 đến 21/5, tại quảng trường Văn Miếu, TP. Cao Lãnh, hứa hẹn là kỳ lễ hội đặc trưng, ấn tượng của xứ sở sen hồng.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khảo sát các sản phẩm chế biến từ sen
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khảo sát các sản phẩm chế biến từ sen

Điểm nhấn của Đồng Tháp

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần  đầu tiên được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, với chủ đề “Sen ngày mới”, nhằm phát huy bản sắc văn hóa của người Đồng Tháp, tôn vinh hoa sen, phát huy giá trị cho các sản phẩm chế biến từ cây sen, thúc đẩy ngành nông nghiệp trồng sen gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương. Xây dựng sản phẩm đặc thù, thu hút du khách đến tham quan du lịch Đồng Tháp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo Ban tổ chức, nhiều hoạt động văn hóa, du lịch ấn tượng được tổ chức tại Lễ hội như: Chương trình nghệ thuật khai mạc và bế mạc; Hội thảo Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm sen Đồng Tháp; Chương trình nghệ thuật “Sen trong tôi” trình diễn áo dài, áo bà ba; hoạt động giao lưu, tôn vinh những người trồng sen giỏi và những người sản xuất, chế biến sản phẩm từ sen.

Tại Lễ hội còn có khu triển lãm sản phẩm OCOP, quảng bá văn hóa - du lịch, trải nghiệm sen đa sắc và Chương trình giao lưu Đờn ca tài tử - Hò Đồng Tháp. Tổ chức không gian trưng bày tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, thư pháp từ sen, thi ảnh đẹp và tổ chức trại sáng tác ca khúc viết về Đồng Tháp. Diễu hành, thi xe hoa sen. Tổ chức Famtrip “Một thoáng Đồng Tháp”; trang trí các tiểu cảnh hồ sen đẹp trên các tuyến đường chính, quảng trường và công viên Văn Miếu, TP. Cao Lãnh...

Ban Tổ chức Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ I - năm 2022 vừa ra mắt Chuyên trang Lễ hội Sen, cung cấp các thông tin chính thống liên quan đến Lễ hội, phục vụ độc giả và các cơ quan thông tấn, báo chí.

 Chuyên trang Lễ hội Sen có địa chỉ  https://lehoisen.vn/ được thiết kế bắt mắt với hình ảnh chủ đạo là sen, bao gồm các mục chính như: tin tức về lễ hội, thông cáo báo chí, chương trình lễ hội, hình ảnh, video, tài liệu truyền thông... Giao diện Chuyên trang Lễ hội Sen có thể tùy biến trên máy tính và các thiết bị di động thông minh. Ngoài ra, ở mục liên hệ, độc giả có thể tương tác, gửi ý kiến góp ý đến Ban Tổ chức Lễ hội.
Để xem Chuyên trang Lễ hội Sen, độc giả có thể truy cập trực tiếp https://lehoisen.vn/ hoặc quét mã QR.

Cùng với chuyên trang này, Ban Tổ chức còn xây dựng Fanpage Lễ hội Sen - Lotus Festival trên nền tảng mạng xã hội Facebook tại địa chỉ: 

https://www.facebook.com/senfestivalSF, cập nhật đầy đủ, phong phú các thông tin về lễ hội này.

Ðồng Tháp Mười là vùng đất trũng, phù hợp với loài cây sống trong bùn và vươn lên khỏi mặt nước. Nhắc đến Đồng Tháp, hẳn ai cũng nghĩ đến vựa lúa lớn của cả nước, là “vùng đất sen hồng” với những cánh đồng sen bạt ngàn, nhưng ít ai biết rằng, Đồng Tháp còn là không gian ẩm thực miền Tây với những món ăn dân dã, độc đáo và hấp dẫn. Tại Lễ hội, lần đầu tiên, tỉnh Đồng Tháp sẽ xác lập kỷ lục 200 món ăn chế biến từ sen.

Trên con đường khẩn hoang của mình, người dân Ðồng Tháp được thiên nhiên ban tặng cây sen và họ đã biết tận dụng loài cây quý này từ vẻ đẹp đến công dụng y học và ẩm thực. Những món ăn ngon ở Đồng Tháp được chế biến từ sen phải kể tới như: cơm hạt sen, gỏi ngó sen, cá lóc nướng trui cuốn lá sen non, gà hầm sen, trà lá sen, trà tim sen, hạt sen sấy, rượu sen, chè sen, sen luộc, sen rang muối ớt… Việc xác lập kỷ lục 200 món ăn từ sen cũng là dịp để tôn vinh văn hoá ẩm thực đặc trưng của tỉnh, vừa là sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười giới thiệu đến du khách xa gần.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp, Phó trưởng ban thường trực tổ chức Lễ hội, Đồng Tháp hiện có 6 loài sen được canh tác trên diện tích hơn 360 ha. Tỉnh đã mời các địa phương lân cận có trồng sen tham gia lễ hội triển lãm sản phẩm từ sen, sẽ có nhiều chương trình lễ tôn vinh sen và người trồng sen trong tương lai. 

“Sắp tới, Đồng Tháp sẽ nâng tầm lên thành tổ chức Festival sen. Chúng tôi cũng đang làm bảo tàng sen tại thiền viện Trúc Lâm với diện tích hơn 10 ha ở huyện Tháp Mười - huyện có diện tích trồng sen nhiều nhất tỉnh, nhằm tôn vinh bản sắc văn hoá của Đồng Tháp, qua đó tạo điều kiện phát triển các sản phẩm du lịch địa phương theo hướng sinh thái xanh, bền vững”, ông Thương nói.

Đánh thức tiềm năng kinh tế bản địa, phát triển du lịch

Ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết thêm, việc chọn hoa sen là biểu tượng của địa phương chính là thể hiện phẩm chất, tinh thần con người Đồng Tháp vươn lên như hoa sen, không khuất phục trước gian khó “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Từ đặc trưng này, tỉnh đã chọn Slogan để thu hút nhà đầu tư, khách du lịch là: “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen”, với mong muốn du khách, nhà đầu tư khi đến đây sẽ cảm nhận được nét nguyên sơ và sự chân tình, ấm áp của đất và người Đồng Tháp.

“Chúng tôi đang xây dựng và quảng bá hình ảnh người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo, phát triển kinh tế bền vững, chất lượng trên nền tảng văn hóa bản địa vùng Đồng Tháp Mười - văn hóa sen”, ông Nghĩa chia sẻ.

Gần 200 sản phẩm làm từ cây sen đã giúp nhiều người dân ăn nên làm ra. Sản phẩm OCOP của Đồng Tháp và một số địa phương được làm từ sen chiếm tỷ lệ lớn. Sen cũng là một ngành hàng đang được tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư. Việc tổ chức Lễ hội Sen sẽ giúp tỉnh đánh giá được chính xác về ngành sen, cây sen và giá trị từ sen mang lại cho kinh tế địa phương. Về lâu dài, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp sẽ tái cơ cấu ngành hàng sen để nâng cao giá trị cây sen, đóng góp vào GRDP ngày càng nhiều cho Đồng Tháp.

Trong chuỗi sự kiện Lễ hội Sen Đồng Tháp, bên cạnh không gian Khu triển lãm sản phẩm OCOP, văn hoá - du lịch, trải nghiệm sen đa sắc, còn có Diễn đàn kết nối du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ II.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xác định được trọng tâm lĩnh vực liên kết hợp tác và ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai hoạt động tái khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong thời gian tới.

Ông Việt cũng lưu ý, các địa phương cần đảm bảo điểm đến du lịch được kiểm soát an toàn, hoạt động du lịch được tổ chức chặt chẽ, có lộ trình đồng bộ, khoa học và hiệu quả; chủ động chuẩn bị các phương án xử lý đối với trường hợp rủi ro trong quá trình triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch.

Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung khôi phục sản phẩm du lịch đường sông, du lịch gắn với khai thác hoạt động nông nghiệp, sinh thái; du lịch văn hóa miệt vườn; các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và giải trí ven sông, nghỉ dưỡng biển đảo…

Đến nay, mọi công tác tổ chức chuẩn bị cơ sơ vật chất, phương tiện, hậu cần và các nguồn lực liên quan đã cơ bản hoàn tất, nhằm hướng tới một kỳ lễ hội đặc trưng của Đồng Tháp với khí thế mới, phấn khởi và an toàn, hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa, ấn tượng cho phát triển du lịch. Lễ khai mạc diễn ra vào lúc 20 giờ, ngày 19/5/2022, tại sân khấu chính là Quảng trường Văn Miếu, TP. Cao Lãnh, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp và một số đài địa phương.

Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2022: “Hà Nội – Đến để yêu”
Tối 13/5, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội, diễn ra từ ngày...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư