Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Lên lộ trình thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa 8 doanh nghiệp tại Hải Dương
Quỳnh Nga - 31/03/2024 09:28
 
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương đã xây dựng lộ trình thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa tại 8 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trên địa bàn để bảo đảm đúng tiến độ trong giai đoạn 2024-2025.

Ngày 20/2/2024, Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 184/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc Bộ Y tế, UBND TP.HCM và UBND tỉnh Hải Dương đến hết năm 2025.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương đã xây dựng lộ trình thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa tại 8 doanh nghiệp. Theo đó, từ nay đến hết năm 2025, tỉnh Hải Dương sẽ phải hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn nhà nước (sau thoái vốn, Nhà nước không nắm giữ vốn điều lệ) tại 5 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Giao thông, Môi trường và Đô thị Chí Linh (Nhà nước giữ 30%), Công ty cổ phần Truyền hình cáp Hải Dương (Nhà nước giữ 8,31%), Công ty cổ phần Quản lý các bến xe khách Hải Dương (Nhà nước giữ 49%), Công ty Xi măng Phúc Sơn (Nhà nước giữ 10%), Công ty cổ phần Giống cây trồng Hải Dương (Nhà nước giữ 49%).

Riêng đối với Công ty TNHH một thành viên Khu công nghiệp Lai Vu, tỉnh sẽ phải hoàn thành cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ quý II/2024, tỉnh sẽ thực hiện quy trình, trình tự thoái 100% vốn nhà nước tại 4 công ty cổ phần là: Truyền hình cáp Hải Dương; Quản lý các bến xe khách Hải Dương, Giao thông, Môi trường và Đô thị Chí Linh; Xi măng Phúc Sơn.

Đối với Công ty cổ phần Giống cây trồng Hải Dương và Công ty TNHH một thành viên Khu công nghiệp Lai Vu sẽ xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc trong năm 2024 để thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước từ quý I/2025. Còn với Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc Hải Dương và Công ty Thương mại - Dịch vụ Hải Dương sẽ được đề xuất phương án sắp xếp trong quý II/2024.

Dù lộ trình đã có, nhưng trong quá trình triển khai, có 3 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước đang gặp vướng mắc khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn.

Cụ thể, Công ty cổ phần Giống cây trồng Hải Dương còn tồn tại khó khăn, vướng mắc về bàn giao tài sản hình thành từ 2 dự án nông nghiệp và 3 dự án khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa. Toàn bộ giá trị tài sản của 5 dự án nêu trên có giá trị còn lại là 31,426 tỷ đồng.

Đối với Công ty TNHH một thành viên Khu công nghiệp Lai Vu, vẫn tồn tại vướng mắc chưa giải quyết được như: chi phí xây dựng dở dang tại Khu công nghiệp (KCN) Lai Vu là 468,4 tỷ đồng, được bàn giao về tỉnh Hải Dương quản lý, nhưng không đầy đủ hồ sơ làm căn cứ quyết toán các hạng mục công trình để hình thành tài sản cố định, nên chưa thực hiện được việc trích chi phí khấu hao hàng năm. Còn 3 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam xây dựng dở dang dự án trong KCN Lai Vu (3 dự án, diện tích 33,75 ha), công trình xây dựng đã xuống cấp và nhiều năm không sử dụng. Các đơn vị này hầu hết đã ngừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng, không nộp tiền thuê đất cho Nhà nước, cũng không thanh lý tài sản để trả lại mặt bằng cho công ty, do đó làm ảnh hưởng đến việc xử lý tài chính khi thực hiện quy trình xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

Còn Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc Hải Dương, tỉnh đã thực hiện quy trình cổ phần hóa Công ty theo quy định tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ. Ngày 16/6/2020, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt phương án cổ phần hóa tại Quyết định số 1541/QĐ-UBND.

Tuy nhiên, cuộc đấu giá không đủ điều kiện để tổ chức vì chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký mua và sau đó nhà đầu tư cũng có đơn xác nhận không tham gia mua thỏa thuận số cổ phần chào bán của Công ty. Do vậy, số cổ phần bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty thực hiện không thành công.

Để tiếp tục hoàn thành trình tự, thủ tục chuyển đổi thành công ty cổ phần, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa công ty đã trình cơ quan chủ sở hữu phê duyệt. Song, Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc Hải Dương không thuộc trường hợp phải xác định lại và công bố điều chỉnh giá trị doanh nghiệp theo quy định tại khoản 3, Điều 25, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Do vậy, hiện nay vẫn vướng mắc về vấn đề pháp lý nên chưa có phương án xử lý đối với công ty này.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cho biết, căn cứ tình hình thực tế hoạt động của các doanh nghiệp có vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh và những khó khăn, vướng mắc chưa được xử lý nêu trên, Sở đã báo cáo và tham mưu Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện theo phương châm “doanh nghiệp không có vướng mắc làm ngay, làm trước” từ quý II/2024. Đối với những doanh nghiệp còn tồn tại, vướng mắc, chỉ đạo tập trung xử lý dứt điểm trong năm 2024, sau đó triển khai sắp xếp từ quý I/2025 để hoàn thành kế hoạch theo đúng thời gian yêu cầu.

Hải Dương mong muốn Hà Lan tăng cường đầu tư công nghệ xử lý nước
Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương mong muốn Vương quốc Hà Lan tiếp tục quan tâm hợp tác đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ nước, cung cấp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư