Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 05 năm 2024,
Liên doanh sẽ là xu hướng M&A được ưa chuộng
Nguyễn Ngân - 28/11/2023 17:32
 
Hình thức liên doanh sẽ ngày càng phổ biến hơn nhờ sự linh hoạt trong phân bổ vốn, thúc đẩy năng lực chuỗi cung ứng, đẩy mạnh năng lực cạnh tranh…

Đây là nhận định được bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF chia sẻ tại Diễn đàn M&A 2023: Chung tay cùng thịnh vượng do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, diễn ra chiều 28/11.

Theo bà Duyên, cách đây vài năm, hoạt động M&A theo hình thức liên doanh chưa được chú trọng nhiều, các doanh nghiệp ưa chuộng hình thức mua hoặc bán toàn bộ. Khoảng 2 năm trở lại đây, hình thức M&A bằng doanh nghiệp liên doanh đã và đang trở lại.

Thậm chí, đây sẽ là hình thức chính trong thời gian tới khi các mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng trở nên phổ biến hơn, linh hoạt hơn về phân bổ vốn, thúc đẩy năng lực chuỗi cung ứng, đẩy mạnh năng lực cạnh tranh, theo nhận định của Chủ tịch Công ty Luật VILAF.

“Ở góc nhìn pháp lý và vận hành, một thương vụ M&A bình thường thì chỉ cần hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, khi tiến tới liên doanh tức là các bên đã tiến đến mối quan hệ sâu sắc hơn, nhưng cũng sẽ phức tạp hơn”, bà Duyên nói.

Cụ thể, trong giao dịch này sẽ có nhiều vấn đề cần nhiều thời gian chuẩn bị để đưa bản sắc văn hóa khác nhau, môi trường kinh doanh, chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau… xích lại gần. Quá trình này có thể diễn ra trong hàng chục năm và chắc chắn không thể tránh khỏi khả năng phát sinh xung đột.

Bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF chia sẻ tại Diễn đàn M&A 2023 "Chung tay cùng thịnh vượng"

Chủ tịch VILAF cho rằng, để sẵn sàng cho mối quan hệ liên doanh, doanh nghiệp cần chú ý hai điểm quan trọng.

Trước hết, phải xác định ngay từ đầu về việc sẽ có một bên quản lý chính trong liên doanh hay chia đều quyền quản lý này.

Thứ hai, doanh nghiệp cần phải chú trọng, làm mạnh hồ sơ, đặc biệt là chiến lược ESG. Hồ sơ này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới quá trình hoạt động của doanh nghiệp liên doanh trong nhiều năm.

Chia sẻ thêm, bà Võ Hà Duyên cho biết, gần đây, thời gian từ khi bắt đầu tới hoàn tất một thương vụ M&A dài ra, quy trình trở nên phức tạp hơn khi doanh nghiệp nội địa thuộc bên bán có quyền sử dụng đất.

“Các thủ tục phức tạp hơn khi doanh nghiệp nước ngoài muốn thực hiện M&A với doanh nghiệp trong nước có quyền sử dụng đất. Lý do là cơ quan cấp phép đầu tư thường phải xin ý kiến của nhiều cơ quan liên quan trước khi quyết định, dẫn tới thời gian kéo dài”, bà Duyên nói.

Đứng ở góc nhìn người làm luật, bà Võ Hà Duyên hy vọng thời gian tới, các định nghĩa, quy định về các loại đất, quyền sử dụng đất... sẽ rõ ràng, đơn giản hơn để tiến trình thực hiện M&A có thể được xử lý nhanh hơn.

Năm 2024, thị trường M&A Việt Nam sẵn sàng cho tăng trưởng
Sau năm 2023 tìm lại cân bằng để tiến tới phát triển bền vững, thị trường M&A Việt Nam được dự báo hội tụ các điều kiện, sẵn sàng cho giai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư