Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Năm 2024, thị trường M&A Việt Nam sẵn sàng cho tăng trưởng
Lê Quân - 28/11/2023 16:18
 
Sau năm 2023 tìm lại cân bằng để tiến tới phát triển bền vững, thị trường M&A Việt Nam được dự báo hội tụ các điều kiện, sẵn sàng cho giai đoạn tăng trưởng.

Đây là nhận định của ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia tại Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 15 năm 2023, diễn ra chiều 28/11 tại TP.HCM.

Năm 2023: Thị trường M&A tìm lại cân bằng

Ông Warrick Cleine thông tin, năm 2023, hoạt động M&A và giá trị giao dịch toàn cầu bị đình trệ khi các nhà đầu tư đối mặt với những bất ổn chính trị và kinh tế vĩ mô trên toàn thế giới, cùng với tình hình lạm phát toàn cầu gia tăng, đã và đang ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư, phần nào khiến họ thận trọng hơn.

Việc thắt chặt chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế lớn, dẫn đến lãi suất tăng cao, cũng đã tác động đến các thị trường mới nổi, khiến việc tiến hành các giao dịch trở nên đắt đỏ hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến chất cũng như lượng giao dịch trên thị trường.

Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia phát biểu tại Diễn đàn  Ảnh: Lê Toàn

Tại Việt Nam, mặc dù lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức 4% cho đến nay và dự kiến tăng trưởng GDP ở mức 4,7% trong năm 2023 theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng trước xu hướng chậm lại của thị trường M&A toàn cầu, với tổng giá trị giao dịch trong 10 tháng năm 2023 là 4,4 tỷ USD, giảm 23% so với đầu năm. Số lượng thương vụ cũng thấp hơn so với hai năm trước.

Tuy nhiên, các yếu tố kinh tế nội tại của Việt Nam vẫn đang được duy trì, với nguồn FDI vẫn chảy vào ổn định và cam kết của Chính phủ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cải cách kinh tế không suy giảm. Sự sụt giảm tạm thời trong thị trường M&A có thể được xem như một phần của chu kỳ kinh tế rộng hơn. Năm 2023 là một năm thị trường tìm lại cân bằng để tiến tới phát triển bền vững.

Sự tăng vọt đáng kể trong giá trị giao dịch trung bình của các thương vụ được công bố đạt mức trung bình 54,5 triệu USD mỗi giao dịch trong 10 tháng của năm 2023 so với hai năm trước cho thấy nhà đầu tư vẫn tích cực tham gia tìm kiếm các thương vụ chiến lược.

Thị trường đã trải qua "cơn sốt" về giá trị và khối lượng giao dịch bởi các nhà đầu tư trong nước từ năm 2020, khi nhiều công ty củng cố thị phần và phân khúc kinh doanh. Tuy nhiên, cơn "sóng" từ vốn nội địa chưa từng có đã kết thúc vào năm ngoái với tổng phần trăm đầu tư chiếm vị trí đầu tiên và đạt đỉnh hơn 1,3 tỷ USD về giá trị giao dịch vào cuối 2022.

Trong 10 tháng năm 2023, khi các nhà đầu tư trong nước chuyển sang thế phòng thủ để đánh giá lại chiến lược của mình, thị phần của họ trong giá trị M&A giờ đây đã giảm xuống còn 161,6 triệu USD, khoảng 4% tổng giá trị giao dịch được công bố. Khác với hai năm trước khi nhà đầu tư trong nước chiếm ưu thế, năm nay nhà đầu tư nước ngoài đã chiếm lĩnh cả 5 vị trí top đầu về giá trị giao dịch trong 10 tháng năm 2023.

Nhật Bản, Singapore, và Mỹ tiếp tục là những nhà đầu tư nước ngoài hoạt động sôi nổi nhất. Ba nhà đầu tư này chiếm trên 70% tổng giá trị giao dịch được công bố. Nhà đầu tư nước ngoài áp đảo thị trường năm nay có thể là dấu hiệu chuyển hướng của thị trường từ đầu tư cơ hội sang đầu tư chiến lược dài hạn và có chọn lọc.

Những thương vụ M&A lớn năm 2023

Thương vụ lớn nhất của năm 2023 cho đến nay là vụ SMBC của Nhật Bản chi 1,45 tỷ USD mua lại cổ phần thiểu số đáng kể tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khi trước đó đã mua FE Credit- một công ty tài chính tiêu dùng, cũng từ ngân hàng này vào năm 2021. Giao dịch VPBank cũng là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay được ghi nhận trong ngành ngân hàng Việt Nam.

Ngành y tế cũng có thương vụ lớn nhất từ trước đến nay trong năm 2023 khi Tập đoàn Y tế Thomson, một trong những nhà cung cấp dịch vụ y tế tư nhân lớn nhất Singapore, chi hơn 380 triệu USD mua lại cổ phần chi phối tại Bệnh viện FV. Điều này cũng đánh dấu lần đầu tiên Tập đoàn Y tế Thomson tiến vào Việt Nam, một thị trường y tế đầy hứa hẹn.

Mặc dù hoạt động M&A của ngành tiêu dùng nói chung giảm tốc do điều kiện kinh tế vĩ mô bất lợi, ngành tiêu dùng không thiết yếu vẫn chứng kiến một thương vụ lớn được thực hiện ở mức 200 triệu USD, khi nhà đầu tư nổi tiếng của Mỹ, Bain Capital, đầu tư vào Tập đoàn Masan. Điều này đánh dấu một cột mốc quan trọng cho ngành tiêu dùng trong nước và cho thấy triển vọng hấp dẫn của ngành này.

Đối với ngành bất động sản dù môi trường pháp lý còn nhiều thách thức trong năm 2023 nhưng các nhà đầu tư chiến lược vẫn tích cực theo đuổi nhiều tài sản bất động sản chất lượng cao và pháp lý chặt chẽ. Vì vậy, lĩnh vực bất động sản đã chứng kiến 2 thương vụ lớn trong năm với giá trị giao dịch trên đà vượt mức tỷ đô của năm ngoái.

Thương vụ lớn nhất trong lĩnh vực này là một nhà đầu tư nước ngoài có trụ sở tại Singapore chi 450 triệu USD mua lại cổ phần chiến lược tại BW Industrial, một trong những nhà phát triển công nghiệp và hậu cần (logistics) lớn nhất và phát triển nhanh nhất Việt Nam. BW Industrial có kế hoạch sử dụng nguồn vốn mới để tiếp tục giữ vị trí hàng đầu trong việc phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng cho nền kinh tế mới và tận dụng sự thay đổi trong sản xuất sang Việt Nam.

Một thương vụ đình đám khác là Gamuda Land có trụ sở tại Malaysia đã mua lại 100% cổ phần trị giá 316 triệu USD tại Tập đoàn bất động sản Tâm Lực để mở rộng tại Việt Nam. Nhà đầu tư này đang lên kế hoạch cho một dự án phức hợp cao cấp trị giá 1,1 tỷ USD trên mảnh đất được mua lại ở trung tâm Thành phố Thủ Đức.

Từ các thương vụ M&A lĩnh vực bất động sản năm 2023 cho thấy, các dự án được nhà đầu tư tìm kiếm nhiều nhất là những dự án sở hữu đầy đủ các thủ tục pháp lý vững chắc.

Năm 2024, thị trường M&A có 4 lĩnh vực tiềm năng 

Trong 10 tháng năm 2023, các lĩnh vực y tế, dịch vụ tài chính, bất động sản là 3 ngành chiếm tổng cộng 80% giá trị giao dịch và là 4 trong số 5 giao dịch lớn nhất trong 10 tháng năm 2023.

So với năm ngoái, dịch vụ tài chính và y tế đã thay thế ngành tiêu dùng và công nghiệp về giá trị giao dịch. Trong khi đó, các bước tiến quan trọng trong năm ở các lĩnh vực tiêu dùng không thiết yếu, công nghệ, năng lượng và dịch vụ tiện ích báo hiệu tiềm năng tăng trưởng và cơ hội trong tương lai.

Năm 2024, thị trường M&A Việt Nam đã sẵn sàng cho tăng trưởng do có nhiều bước tiến về kinh tế và cải cách nhằm thu hút FDI. Các giao dịch M&A có thể gia tăng trong các lĩnh vực chính như: năng lượng xanh, công nghệ, bất động sản và chăm sóc sức khỏe do hỗ trợ chính sách và nhu cầu gia tăng. Xu hướng đầu tư sang các ngành này do tăng trưởng cơ sở hạ tầng, và công nghệ được thúc đẩy bởi chuyển đổi số.

Đối với ngành y tế dự kiến sẽ được thúc đẩy bởi thay đổi về dân số. Ngành bất động sản tiếp tục sôi nổi nhờ nhu cầu về tài sản chất lượng cao. Động cơ tăng trưởng năm 2024 bao gồm dòng vốn FDI mạnh mẽ, nhờ chính trị ổn định và các thỏa thuận thương mại.

Hơn nữa, với lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu 4%, dự báo tăng trưởng GDP của IMF sẽ tăng trở lại 5,8% vào năm 2024 và 6,9% vào năm 2025, và nợ công vẫn dưới trần pháp lý 60% GDP, những nền tảng này cho thấy một năm thuận lợi cho các nhà đầu tư nhắm đến những cơ hội chiến lược tại thị trường Việt Nam năng động.

Tăng trưởng kinh tế ấn tượng mở ra cơ hội mới cho M&A tại Việt Nam
Thị trường M&A Việt Nam tiếp tục được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là hấp dẫn nhờ sự ổn định về chính trị, tốc độ tăng trưởng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư