Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Liên kết vùng để tạo sức mạnh tổng hợp
Kỳ Thành - 27/08/2022 07:23
 
Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, cần đẩy mạnh liên kết vùng để tạo thành sức mạnh tổng hợp, đưa Trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện.

Trước thềm Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, chia sẻ với Báo Đầu tư về mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, cần đẩy mạnh liên kết vùng để tạo thành sức mạnh tổng hợp, đưa Trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện.

Hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ cũng như giữa vùng với cả nước. Ảnh: Đ.T

Thưa Thứ trưởng, Nghị quyết số 11-NQ/TW có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ?

Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng.

Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với cả nước. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá về kinh tế - xã hội, đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình và những yêu cầu phát triển mới, việc phát triển kinh tế - xã hội Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết bằng một tư duy mới, tầm nhìn mới, cơ hội mới và hợp tác phát triển mới.

Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW, với mục tiêu phát triển Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; là hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng - an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường.

Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về các biện pháp mà Chính phủ đề ra để thực hiện mục tiêu phát triển Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ?

Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết, với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW; hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng; phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, Chương trình hành động cũng đề ra 17 nhiệm vụ cụ thể và 33 dự án liên vùng, kết nối và phân công các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.

Chương trình hành động của Chính phủ nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp cụ thể gắn với kế hoạch tổ chức theo lộ trình phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết, đồng thời thể hiện được vai trò kiến tạo, lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng các Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW sẽ góp phần quan trọng tạo sự thống nhất cao, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị và đổi mới tư duy của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, từ đó tạo sự thống nhất trong hành động, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TW.

Trong lần quán triệt Nghị quyết số 11-NQ/TW, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh về việc cần giải quyết tốt vấn đề liên ngành, liên vùng. Trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết, việc xây dựng thể chế chính sách, đặc biệt là đẩy mạnh liên kết vùng được thực hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, nên được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Nghị quyết số 11-NQ/TW đã chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được rất lớn về phát triển kinh tế - xã hội, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, trong đó, liên kết vùng còn yếu. Lý do là chưa có thể chế liên kết vùng hiệu lực, hiệu quả.

Vì vậy, việc xây dựng thể chế phát triển liên kết vùng cho Trung du và miền núi Bắc Bộ để phát huy tiềm năng, lợi thế là hết sức quan trọng. Trong Nghị quyết số 96/NQ-CP, ngày 1/8/2022 của Chính phủ đã quy định rất rõ nội dung này.

Thứ nhất, là nâng cao nhận thức, tư duy về liên kết vùng để quán triệt các cấp, các ngành, các địa phương, huy động sức mạnh tập thể của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương thành sức mạnh chung của vùng.

Thứ hai, là phải xây dựng quy hoạch vùng chất lượng tốt, có tư duy tầm nhìn dài hạn và chiến lược, phân bổ không gian phát triển, phân bổ nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, sử dụng đất đai hợp lý để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng. Ví dụ, trong quy hoạch vùng, phải xác định được các hành lang, các vùng trọng điểm phát triển của vùng trong giai đoạn tới.

Thứ ba, với một số lĩnh vực tiềm năng, lợi thế của địa phương, thì trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nghiên cứu để đề xuất các cơ chế, chính sách hài hòa giữa nguồn thu trung ương và địa phương, với nguyên tắc ngân sách trung ương vẫn là chủ đạo, nhưng các địa phương được để lại mức thu hợp lý để tái đầu tư cho công trình hạ tầng.

Theo Thứ trưởng, các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới tư duy thế nào để tạo ra hành lang kinh tế mới trong vùng này?

Một trong những hạn chế đã được chỉ ra là tư duy liên kết vùng chậm được đổi mới trong vùng. Do vậy, chúng tôi thấy, các cấp ủy Đảng các bộ, ngành và các địa phương trong vùng phải tiếp tục nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy về liên kết vùng.

Tư duy ở đây là tư duy phát triển cho cấp vùng, tức là đặt lợi ích của vùng là cao nhất, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Để làm được điều này, các cấp, các ngành đều xác định mục tiêu chung của vùng đã được quy định rất rõ tại Nghị quyết, là đến năm 2030, Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững, toàn diện, là hình mẫu phát triển xanh của cả nước. Để đạt mục tiêu này, ngoài việc thay đổi tư duy, mỗi địa phương phải có chương trình hành động rất cụ thể, căn cứ vào quy hoạch vùng để xây dựng quy hoạch tỉnh phù hợp với quy hoạch vùng.

Đặc biệt, khi xây dựng quy hoạch tỉnh, cần có sự liên kết, phối hợp với các địa phương khác để tạo nên sức mạnh tổng hợp.

Cùng với đó, phải chú trọng công tác tổ chức thực hiện. Bên cạnh sự điều phối của Hội đồng Điều phối vùng, các bộ, ngành trung ương trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng quy hoạch, các đề án, các cơ chế, chính sách đặc thù cũng phải phối hợp với nhau để có cơ chế phù hợp, trúng và đúng, phát huy tiềm năng, lợi thế để đạt hiệu quả cao nhất.

Chúng tôi cho rằng, thay đổi tư duy là hết sức quan trọng. Thời gian qua, các địa phương đã dần thay đổi nhận thức, để cùng với Hội đồng Điều phối vùng thực hiện mục tiêu chung là đưa Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ phát triển trong thời gian tới.

Để triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP, ngày 1/8/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW nhằm tạo sự thống nhất cao, nâng cao nhận thức và cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nhằm sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, ngày mai (27/8), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị.

Với chủ đề “Tiềm năng - Cơ hội - Hợp tác phát triển”, Hội nghị được tổ chức tại TP. Lào Cai (tỉnh Lào Cai) với khoảng 700 đại biểu tham dự, bao gồm lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đây là hội nghị “3 trong 1”, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, mà còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, mở ra cơ hội mới cho vùng đất “phên giậu” của Tổ quốc.

Tạo bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải quán triệt thật đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc ý nghĩa, mục tiêu, yêu cầu, nội dung của Nghị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư