Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Lo ngại môi trường, Đà Nẵng đề nghị Quảng Nam chia sẻ thông tin dự án nhà máy thép Việt-Pháp
Hà Minh - 09/10/2016 20:48
 
Theo các chuyên gia môi trường, sản xuất theo công nghệ này, nước thải sản xuất chủ yếu làm mát thiết bị được đưa vào bể tách dầu mỡ, bể lắng lọc chất thải rắn và được giảm nhiệt bằng tháp giải nhiệt, sau đó tuần hoàn tái sử dụng lại, hoàn toàn không thải ra môi trường, sông suối.

Trước lo lắng của người dân thành phố về nguy cơ ô nhiễm và ảnh hưởng nguồn nước sông Vu Gia- Thu Bồn, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản đến UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị cung cấp, chia sẻ những thông tin liên quan đến dự án Nhà máy luyện cán thép Việt- Pháp ở huyện miền núi Nam Giang.

Phù hợp với quy hoạch (?!)

Một trong những nội trong công văn của UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị là địa điểm xây dựng nhà máy thuộc lưu vực sông Vu Gia nơi cung cấp khoảng 250.000 m3/ngày cho Nhà máy nước Cầu Đỏ, chiếm 99% nhu cầu nước sạch tại Đà Nẵng.

Chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng hết sức quan ngại việc UBND tỉnh Quảng Nam cho phép đầu tư dự án nói trên tại vị trí nhạy cảm đầu nguồn nước của lưu vực sông Vu Gia sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước cấp sinh hoạt cho vùng hạ du của thành phố Đà Nẵng.

Vì vậy, UBND thành phố Đà Nẵng kính đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cung cấp, chia sẻ các thông tin liên quan đến dự án, đặc biệt ảnh hưởng của dự án đến môi trường lưu vực sông Vu Gia để có cơ sở giải thích cho nhân dân thành phố Đà Nẵng được biết.

Nhà máy thép Việt - Pháp
Nhà máy thép Việt - Pháp

Trước đề nghị trên, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam đã gửi công văn phúc đáp chính quyền thành phố Đà Nẵng, qua đó, thể hiện quan điểm việc di dời nhà máy này lên khu vực phía Tây của tỉnh là phù hợp với quy hoạch phát triển cụm công nghiệp và định hướng phát triển của địa phương.

Tuy nhiên, ông Toàn khẳng định, không đánh đổi môi trường để đầu tư bằng được dự án. Vì vậy, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, kiểm soát kỹ nguồn nước thải của nhà máy. Trường hợp người dân, các ngành chức năng không đồng thuận thì phải sẽ đóng cửa nhà máy hoặc chuyển đến vị trí khác không làm ảnh hưởng đến môi trường, không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Trước đó, dự án này được cấp phép xây dựng tại xã Điện Nam Đông (thị xã Điện Bàn) đã gặp sự phản đối khi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của người dân.

Không gây ô nhiễm nguồn nước hạ lưu?

Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho hay, cuối tháng 9 vừa qua, Sở đã mời các chuyên gia có uy tín về lĩnh vực môi trường thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (TĐMT) dự án. Các chuyên gia đều thống nhất thông qua TĐMT.

Được biết, nguyên liệu chính mà nhà máy sử dụng là sắt thép phế liệu để nấu, hoàn toàn không sử dụng quặng. Về công nghệ, nhà máy dùng lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu sản xuất ra phôi thép nên chủ yếu phát sinh ra bụi, khí thải.

Theo các chuyên gia môi trường, sản xuất theo công nghệ này, nước thải sản xuất chủ yếu làm mát thiết bị được đưa vào bể tách dầu mỡ, bể lắng lọc chất thải rắn và được giảm nhiệt bằng tháp giải nhiệt, sau đó tuần hoàn tái sử dụng lại, hoàn toàn không thải ra môi trường, sông suối.

Nước cấp vào  nhà máy là nước ngầm khai thác từ các giếng khoan và từ khe suối gần khu vực dự án, tuy nhiên khối lượng không nhiều vì chủ yếu để làm mát thiết bị. Hai nguồn ô nhiễm chính của nhà máy là bụi và khí thải. Vấn đề này các ngành chức năng của Quảng Nam cho rằng sẽ kiểm soát chặt chẽ.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ  Hồ Tấn Quyền - Phó Tổng thư ký Tổng hội cơ khí Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí tự động hóa tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng: quy trình, công nghệ tái chế sản phẩm phôi thép ở Nhà máy sản xuất thép Việt - Pháp chỉ sử dụng nguồn nước tuần hoàn làm mát sản phẩm, hoàn toàn không xả ra sông Bung, sông Vu Gia.

“Nhà máy sản xuất thép Việt - Pháp bản chất là tái chế sắt thép phế liệu. Nguyên liệu vào đã có sắt thép. Bình quân 1,05 tấn sắt phế liệu sau khi qua công nghệ nấu luyện thép (bằng điện) sẽ cho 1 tấn thép. Nguyên liệu vào chỉ sắt thép chứ không có bất cứ loại gì, quá trình tái chế sắt thép toàn bộ bằng điện” – TS Quyền khẳng định rồi giải thích thêm.

 “Có thể hình dung khi đưa một khối kim loại vào một từ trường biến thế, xuất hiện dòng điện tạo phôi thép nóng chảy. Cho nên công nghệ này chỉ tiêu hao điện thôi; còn nước chỉ làm mát sản phẩm, hoàn toàn không tham gia quá trình sản xuất.  Đây là công nghệ tiên tiến nhất tính đến thời điểm này.  Minh chứng là nếu dùng công nghệ điện trở cũ thì để có 1 tấn sắt tốn gần 1.200kWh, trong khi dùng cảm ứng điện từ trung tần chỉ tiêu hao điện năng khoảng 650 - 700kWh. Nói chung công nghệ cảm ứng điện từ trung tần hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường, ít tạo ra các chất khí độc”

Khẳng định dự án án sẽ không gây ô nhiễm môi trường, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: Với Nhà máy thép Việt - Pháp, làm gì có chuyện xả nước thải ra sông, ra suối, gây ô nhiễm nguồn nước ở hạ lưu? Trước đây, chúng ta kêu gọi họ đầu tư để phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn.

Bây giờ địa  điểm không còn phù hợp với quy hoạch, phải vận động họ di dời. Vì thế, chúng ta phải có trách nhiệm vận động, hỗ trợ doanh nghiệp.

Di dời là việc phải làm, tất yếu như vậy. Vấn đề là sau chủ trương của UBND tỉnh, các ngành chức năng và nhà máy phải khẩn trương hoàn thiện mọi thủ tục liên quan theo quy định của pháp luật, mới cho phép khởi công xây dựng. Đồng thời nhà máy phải tuân thủ nghiêm ngặt vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường, cơ quan chức năng sẽ giám sát chặt chẽ việc này.

Golden Sand Resort (Quảng Nam): Thư ký Tổng giám đốc giữ con dấu, quyết định của HĐQT bị "treo"
Hoạt động của CTCP Thương mại và Dịch vụ Cát Vàng (Công ty Cát Vàng), phường Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đang bị xáo trộn, các quyết...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư