Thứ Hai, Ngày 28 tháng 04 năm 2025,
Lo ngại về “ngân khố quốc gia”
Mạnh Bôn - 15/05/2013 16:23
 
Cho ý kiến về tình hình triển khai dự  toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự  lo ngại về mất cân đối “ngân khố quốc gia” do nguồn thu bị sụt giảm nghiêm trọng.
TIN LIÊN QUAN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp

Theo số liệu của Bộ Tài chính (BTC), tổng thu ngân sách 4 tháng đầu năm chỉ bằng 28,8% dự toán, giảm gần 2% so với cùng kỳ năm 2012. Trong khi đó, để bảo đảm thu đạt mục tiêu đặt ra thì số thu ngân sách phải đạt 33 - 35% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu nội địa đạt 29,4% dự toán và chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2012; thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt 23% dự toán, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi ngân sách tăng 8,8% so với cùng kỳ khiến bội chi trong 4 tháng đầu năm đã lên tới 59.300 tỷ đồng, bằng 36,6% dự toán.

“Chỉ để bảo đảm hoàn thành mục tiêu, bình quân mỗi tháng phải thu được ít nhất 45.460 tỷ đồng từ các khoản thu nội địa và 19.800 tỷ đồng từ hoạt động xuất - nhập khẩu. Nhưng trên thực tế, bình quân mỗi tháng ngân sách hụt thu 11.080 tỷ đồng”, Thứ trưởng BTC, ông Nguyễn Công Nghiệp tính toán.

Nghiêm trọng hơn, theo ông Nghiệp, kết quả khảo sát tại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty và địa phương trọng điểm thu cho thấy khả năng giảm thu năm nay rất lớn. Chỉ riêng Hà Nội, năm nay thu nội địa ước tính giảm 45.300 tỷ đồng, còn TP.HCM, con số hụt thu ước vào khoảng 14.100 tỷ đồng.

“Nếu không có các giải pháp quyết liệt để thúc đẩy phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thì khả năng giảm thu NSNN năm 2013 khá lớn, sẽ ảnh hưởng đến dự toán, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh”, ông Nghiệp nhấn mạnh.

“Vấn đề là khai thác nguồn thu nào? Thu nội địa rất khó khăn vì tình hình sản xuất, kinh doanh chưa thấy có khởi sắc; thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu cũng rất mờ mịt do kinh tế tăng trưởng thấp, hoạt động nhập khẩu kém nhộn nhịp; thu từ dầu thô cũng không thể tăng nhiều vì giá dầu thô đã ở mức đỉnh trong khi khối lượng khai thác không thể tăng lên”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển trăn trở.

Theo ông Hiển, nếu không điều chỉnh dự toán thu - chi ngân sách, trong bối cảnh nảy chỉ còn cách duy nhất là giảm mạnh chi, đặc biệt là chi thường xuyên, chi hành chính. Nhưng cắt giảm khoản nào, cắt giảm bao nhiêu lại là vấn đề rất khó khăn.

Theo đề xuất của BTC, để giảm chi, các bộ ngành, địa phương và đơn vị sử dụng NSNN phải chủ động sắp xếp, cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, các khoản chi mua sắm, trang thiết bị, ô tô; tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu; tiết kiệm tối thiểu 30% kinh phí đã bố trí cho lễ hội, khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác…

“Ngoài ra, các cơ quan còn phải thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm. Đến quý 4/2013, nếu tình hình ngân sách khả quan sẽ tiếp tục thực hiện, ngược lại thì phải cắt giảm”, ông Nghiệp đề xuất.

“Khoản nào giảm chi được phải yêu cầu các đơn vị giảm ngay. Đặc biệt là khoản chi rất tốn kém nhưng lại có hiệu quả rất kém là đi nước ngoài khảo sát. Muốn thực hiện được yêu cầu này phải tăng cường giám sát, xử lý đến cùng những đơn vị vi phạm, không nể nang, không né tránh”, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đồng tình với đề xuất của BTC.

“NSNN năm nay mất cân đối khá nghiêm trọng”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lo lắng.

Các giải pháp cắt giảm chi mà BTC đưa ra, theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chưa căn cơ và không bền vững. Vì theo ông chi thường xuyên cắt giảm như đề xuất của BTC là đã “kiệt quệ rồi”, không thể cắt giảm thêm được nữa, nếu cắt giảm thêm thì hoạt động thường xuyên của bộ máy quản lý nhà nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Nếu nói ngân sách giảm thu là do sản xuất, kinh doanh suy giảm thì đơn giản quá. Vấn đề đặt ra là phải tìm mọi cách vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho doanh nghiệp bỏ vốn ra đầu tư và khai thác các nguồn thu còn bị thất thoát”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng gợi ý.

Nhìn vào các khía cạnh của nền kinh tế, Phó ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Xuân Cường bày tỏ sự lo ngại về cân đối thu - chi.

“Trong 4 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng của cả lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều ảm đạm. Ngoài số doanh nghiệp đã giải thể, phá sản hoặc đang “chết lâm sàng” thì ít nhất có khoảng 65% doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh thua lỗ. Xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm ngày một khó khăn hơn do kinh tế của họ cũng suy giảm nên thắt chặt chi tiêu đồng thời với việc dựng lên hàng rào bảo hộ hàng hóa trong nước. Với tình hình này, cân đối ngân sách năm nay thực sự đáng lo ngại”, ông Cường phát biểu.

Cân đối ngân sách trong 8 tháng còn lại của năm 2013, theo ông Cường là vấn đề vô cùng khó khăn.

“Theo quy luật của tự nhiên, cứ sau năm nhuận (năm 2012 nhuận) thiên nhiên, thời tiết vô cùng khắc nghiệt. 4 tháng đầu năm với nhiều trận mưa đá liên tiếp đã chứng minh điều này. Còn từ nay đến cuối năm chúng ta sẽ phải đón nhận hạn hán, bão lũ. Nếu điều này xảy ra, không chỉ sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng bị tác động rất xấu do thủy điện thiếu nước”, ông Cường lo ngại.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư