Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Loại bỏ “văn hóa phong bì” để khơi dòng vốn Việt kiều
Phan Long - 05/08/2013 09:56
 
Rất nhiều trong số hơn 2.000 dự án đầu tư của kiều bào tại Việt Nam đang thành công, nhưng cũng không ít kiều bào bỏ ý định đầu tư khi vấp phải “văn hóa phong bì” và sự khó dễ của chính quyền địa phương.

Từ ngày 6/8 đến 9/8, tại Đà Lạt sẽ diễn ra Chương trình gặp gỡ doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân trong nước lần thứ II, với rất nhiều hoạt động thiết thực, như hội thảo, trưng bày giới thiệu sản phẩm hàng hóa, du lịch, giao lưu giữa các doanh nghiệp, tìm đối tác xuất khẩu hàng Việt Nam…

Không ít kiều bào bỏ ý định đầu tư khi vấp phải “văn hóa phong bì”
và sự khó dễ của chính quyền địa phương (Ảnh minh họa)

Với sự tham gia của hơn 300 doanh nhân kiều bào và đại diện doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, đây là sự kiện rất có ý nghĩa, tạo sự liên kết mạnh mẽ, đưa hàng hóa của Việt Nam vươn ra thế giới, cũng như thu hút đầu tư của kiều bào về nước.

“Khoảng 3.600 doanh nghiệp của kiều bào kinh doanh tại Việt Nam với 2.000 dự án và tổng vốn 8,6 tỷ USD, cùng lượng kiều hối trên 10 tỷ USD năm 2012, đang trở thành nguồn lực lớn đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”, Thứ trưởng Sơn khẳng định và cho biết, thành công đó là do Chính phủ đã tích cực tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện rất lớn cho kiều bào khi đầu tư về nước.

Tuy nhiên, đánh giá về môi trường đầu tư trong nước, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài Bùi Đình Dĩnh cho rằng, dù không thể phủ nhận chính sách ngày càng thông thoáng cho kiều bào, như miễn tiền thuê đất, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 3 - 10 năm..., nhưng môi trường đầu tư trong nước vẫn còn không ít trở ngại.

“Các chính sách đưa ra còn thiếu tính ổn định, thường xuyên thay đổi, rất dễ gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Việc truyền thông, quảng bá chính sách chưa rộng, khiến kiều bào không nắm được cụ thể, không hiểu rõ những ưu đãi trong nước. Ngoài ra, lãnh đạo một số cơ quan địa phương không làm đúng, thậm chí cố tình làm sai chính sách của Chính phủ đối với các dự án đầu tư, kinh doanh của kiều bào”, ông Dĩnh đánh giá.

Không chỉ thẳng thắn thừa nhận tình trạng “phép vua thua lệ làng” ở một số địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh thêm, “văn hóa phong bì, bôi trơn”, tệ quan liêu, nhũng nhiễu, thủ tục hành chính rườm rà đã khiến nhiều nhà đầu tư chán nản, từ bỏ quyết định đầu tư về nước.

“Chính khu resort 5 sao Dalat Edensee, nơi diễn ra chương trình gặp gỡ doanh nhân lần thứ II này, là một cơ sở 100% vốn đầu tư của kiều bào đang kinh doanh rất thành công, cũng từng gặp rất nhiều khó khăn từ khi làm thủ tục cho đến khi khai trương”, Thứ trưởng Sơn nói và cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thay đổi tư duy của chính quyền các địa phương khi vẫn xem các dự án kinh doanh, đầu tư của kiều bào về nước như dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng sẽ quyết liệt trong việc thanh tra, giám sát để tạo thuận lợi hơn nữa, đồng thời bảo vệ quyền lợi kiều bào khi đầu tư về nước.

Ủy ban cũng đã được Thủ tướng cho phép thành lập một cơ quan thanh tra riêng để giám sát việc thực thi những chính sách của các địa phương đối với các dự án đầu tư, kinh doanh của kiều bào. Cơ quan này cũng đã phát hiện một số vụ có dấu hiệu cố tình làm sai, hoặc chiếm dụng vốn của nhà đầu tư kiều bào, giao cơ quan công an điều tra, xử lý.

Lợi thế Việt kiều ở thị trường xuất khẩu 20 tỷ USD
Mỹ có thể là thị trường xuất khẩu đầu tiên mà Việt Nam vượt mốc 20 tỷ USD, nhưng ngoài yêu cầu cao về xuất xứ và chất lượng hàng hóa, doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư