Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Lộc Trời hợp tác cùng Tập đoàn Phoenix canh tác 10.000 hecta lúa tại Việt Nam
Thị Hồng - 21/12/2018 16:41
 
Theo bản tuyên bố chung vừa được Tập đoàn Phoenix và Tập đoàn Lộc Trời ký kết hôm nay tại Dubai, cả hai công ty cho biết sẽ mang hỗ trợ cho khoảng 10.000 nông hộ nhỏ Việt Nam, mở rộng canh tác lúa gạo bền vững trên 10.000 hecta trồng lúa.
TIN LIÊN QUAN

Ông Gaurav Dhawan, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Phoenix Group cho rằng, Phoenix đã tham gia vào việc khởi động nhiều chương trình trên thế giới, đặc biệt là ở Châu Phi, CIS, Trung Đông, Ấn Độ và Đông Nam Á.

Các chương trình này nhằm giải quyết những khó khăn trong công tác phát triển bền vững chuỗi giá trị từ quá trình trồng trọt đến kinh doanh nông nghiệp.

Đại diện Lộc Trời và Phoenix tại buổi lễ kí kết hợp tác. (Nguồn: Lộc Trời)
Đại diện Lộc Trời và Phoenix tại buổi lễ kí kết hợp tác. (Nguồn: Lộc Trời)

Thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời lần này sẽ mở rộng dấu ấn của Phoenix ở Việt Nam về sản xuất lúa gạo an toàn thực phẩm, an ninh lương thực và các vấn đề môi trường trong sản xuất nông nghiệp đại trà. Cùng với đó là hỗ trợ Tập đoàn Lộc Trời quảng bá gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Theo bản tuyên bố chung, cả hai sẽ chung tay hướng đến mục tiêu hỗ trợ các nông hộ nhỏ ở Việt Nam thích ứng và giảm thiểu những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, sâu bệnh hại, hạn hán, lũ lụt và thiên tai xảy ra khá thường xuyên trong những năm vừa qua.

Hai tập đoàn kỳ vọng vào cơ hội trong việc cung cấp gạo chất lượng cao với khả năng truy xuất nguồn gốc hoàn toàn và giảm dư lượng hóa chất nhằm tăng thu nhập của nông, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Sau khi trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam gia nhập Diễn đàn lúa gạo bền vững quốc tế (Sustainable Rice Platform- SRP) từ 2016, Lộc Trời đã triển khai bộ tiêu chuẩn của SRP trong mô hình cánh đồng lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, Việt Nam là nơi cung cấp gạo nổi tiếng thế giới với những lợi thế  đặc biệt trong sản xuất.

Năm 2017, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2.6 triệu USD (tương đương 5.9 triệu tấn gạo). Dự kiến trong năm nay 2018, con số là 3 triệu USD (khoảng 7 triệu tấn gạo). Xuất khẩu gạo từ Việt Nam chiếm từ 17-18% giao thương lúa gạo toàn cầu.

Việc sản xuất lúa gạo ở Việt Nam phụ thuộc vào các hộ sản xuất nhỏ, những người đang gặp khó khăn để đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm. Với nỗ lực hỗ trợ từ Nhà nước, những hoạt động sản xuất lúa gạo hiện nay ở Việt Nam đang trên lộ trình hạn chế dần nguồn vật tư đầu vào để bảo vệ tốt hơn cho môi trường và con người.

Tăng trưởng trong quá khứ của ngành gạo dựa trên sản xuất thâm canh gạo chất lượng thấp xuất khẩu với giá rẻ sang các thị trường châu Á, châu Phi và Trung Đông theo các hợp đồng chính phủ.

Năm 2016, chính phủ Việt Nam đã đưa ra chính sách chiến lược tái cơ cấu ngành lúa gạo đánh dấu bước chuyển từ an ninh lương thực sang an toàn thực phẩm và từ số lượng sang chất lượng, mở ra cơ hội mới cho ngành lúa gạo Việt Nam.

Thông qua thỏa thuận hợp tác này, Phoenix và Lộc Trời sẽ cùng phát triển dự án lúa gạo bền vững tại Việt Nam để có thể hỗ trợ nông dân Việt Nam đạt được tăng trưởng bền vững.

Được biết, tập đoàn Phoenix là doanh nghiệp kinh doanh gạo lớn thứ hai thế giới, tham gia vào sản xuất, đầu tư, chế biến, thương mại và phân phối các sản phẩm nông nghiệp.

Tập đoàn nông sản và thực phẩm toàn cầu này đã luân chuyển 10 triệu tấn hàng hóa trên toàn thế giới vào năm ngoái, cùng với hợp tác/quản lý khoảng 150.000 ha đất canh tác nông nghiệp tại nhiều quốc gia.

Ngoài ra, theo thông tin từ tập đoàn Lộc Trời, 2/3 loại gạo của Lộc Trời mang đi thi đấu tại Hội Nghị Thương mại Gạo Đại Lục lần thứ 5 tổ chức tại Trung Quốc đã đoạt một giải nhất và một giải nhì.

Cụ thể, với gạo Thơm, gạo Lộc Trời 28 đoạt giải nhất, theo sau đó là gạo Hom Mali của Thái Lan và thứ ba là gạo SKO của Campuchia. Còn với gạo Trắng, đứng thứ nhất là gạo PK -386 của Pakistan, về nhì là gạo OM18 của Việt Nam và thứ 3 là gạo IRRI – 06 của Pakistan.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư