Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Lời cảm ơn của doanh nghiệp
Bảo Duy - 27/12/2021 08:43
 
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam vừa gửi lời cảm ơn của các doanh nghiệp thủy sản thành viên tới Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ vì ban hành kịp thời Nghị quyết 128/NQ-CP.
Chuỗi cung ứng thủy sản cũng đã bắt đầu được khôi phục.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi Công văn số 142/CV-VASEP tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Khác với mọi lần là những kiến nghị tháo gỡ khó khăn, xem xét, sửa đổi, thay thế các quy định hiện hành, lần này, Hiệp hội gửi lời cảm ơn của các doanh nghiệp thủy sản thành viên tới Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ vì ban hành kịp thời Nghị quyết 128/NQ-CP.

Trong thư cảm ơn, các doanh nghiệp thủy sản viết: “Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 được ban hành ngày 11/10/2021 đã điều chỉnh phương thức chống dịch, từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh, đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc cho hoạt động doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp tục duy trì chống dịch Covid-19”.

Nhờ vậy, từ cuối tháng 10/2021, các doanh nghiệp đã có điều kiện và cơ hội phục hồi sản xuất, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, kịp khai thác nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thế giới đang tăng cao vào cuối năm 2021, bù đắp lượng thâm hụt sâu về kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong quý III/2021 (tháng 8/2021 giảm 26,8% và cả quý III/2021 giảm 24,1% so với cùng kỳ năm 2020). 

Quan trọng hơn, theo các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng thủy sản cũng đã bắt đầu được khôi phục, giúp hàng trăm ngàn ngư dân khai thác thủy sản và nông dân nuôi trồng thủy sản có việc làm trở lại và có thu nhập.

Đây là điều mà trong báo cáo tháng 9/2021 gửi các cơ quan quản lý nhà nước, nhiều hiệp hội doanh nghiệp, trong đó có cả VASEP, chưa nhìn thấy. Khi đó, nỗi lo kim ngạch xuất khẩu tiếp tục giảm sâu vào tháng 10/2021 hiện hữu cùng hàng loạt kiến nghị về bất cập trong mô hình “sản xuất 3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, những lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất do các quyết định đóng - mở không thể dự liệu từ cách phòng chống dịch bệnh cát cứ, cắt đoạn của nhiều địa phương… Khi đó, VASEP đã công bố con số gây sốc: chỉ 30-40% doanh nghiệp thủy sản đủ năng lực phục hồi sản xuất sau giãn cách.

Tình thế đã xoay chuyển rất nhanh khi tư duy, cách thức phòng chống dịch thay đổi theo hướng thích ứng. Tháng 10, xuất khẩu thủy sản phục hồi nhanh, đạt gần 7,1 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tháng 11 ghi nhận sự bứt tốc, đạt 8,034 tỷ USD, cao hơn 4,6% so với cùng kỳ. Khả năng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam cả năm 2021 đạt 8,7 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2020 đang hiện hữu.

Tất nhiên, không chỉ doanh nghiệp ngành thủy sản được hưởng lợi.

Nhìn vào tốc độ trở lại, tốc độ tham gia thị trường một cách nhanh chóng của các doanh nghiệp ngay sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành, có thể thấy rõ tác động tích cực của một chính sách được ban hành đúng thời điểm, phù hợp với tình hình, được thực thi nghiêm túc, cho dù không phải thông suốt ở mọi nơi, mọi cấp.

Mới đây, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã có chỉ đạo về xử lý các quy định gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa sau khi có báo cáo về việc một số địa phương ban hành các quy định riêng trong phòng chống dịch Covid-19 gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ách tắc lưu thông hàng hóa, cản trở việc đi lại của nhân dân và quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phó thủ tướng yêu cầu xem xét các phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP để kịp thời giải quyết theo thẩm quyền. Trường hợp những khó khăn, vướng mắc, phức tạp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Phó thủ tướng yêu cầu kết quả giải quyết phải được công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cho người dân, doanh nghiệp biết…

Các doanh nghiệp đang mong, nếu việc xử lý những khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp được thực hiện theo tinh thần trên, thì thách thức nào cũng sẽ lùi lại phía sau.

Khó khăn còn lớn, nhất là khi dịch bệnh vẫn phức tạp, nhiều doanh nghiệp có thể không có lợi nhuận, thậm chí vẫn đang phải gánh lỗ, nhưng doanh nghiệp đang nhìn thấy rất rõ cơ hội này và đang nỗ lực tìm mọi cách để tận dụng tối đa.

Họ tiếp tục chờ đợi sự hậu thuẫn từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành bằng cơ chế, chính sách kịp thời, thực thi nhất quán…

VASEP cảnh báo doanh nghiệp về việc thiếu container rỗng, tàu chở hàng
VASEP khuyến cáo các hội viên cần lên kế hoạch và kịch bản ứng phó việc thiếu container rỗng, hạn chế tối thiểu sự gián đoạn trong chuỗi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư