Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lời giải bài toán chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt
Như Loan - 26/10/2018 16:40
 
Đây là vấn đề được bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) trình bày tại Hội thảo “Doanh nghiệp số và đổi mới sáng tạo” vừa diễn ra.

Được đưa ra từ 2015, khái niệm chuyển đổi số đã phân tích tác động của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số lên 13 ngành công nghiệp trước sự phát triển của kinh tế số.

Bản chất của Kinh tế số là hệ sinh thái bao gồm hàng hoá, dịch vụ, các nền tảng và giải pháp có sử dụng hoặc dựa trên việc kết nối Internet và truy cập trực tuyến (theo UNESCAP).

Chuyển đổi số là sự tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, về cơ bản thay đổi cách doanh nghiệp vận hành và mang lại giá trị cho khách hàng. Đó cũng là thay đổi văn hóa doanh nghiệp đòi hỏi các doanh nghiệp liên tục tự thách thức hiện trạng thực tại, luôn luôn thử nghiệm mô hình kinh doanh mới và làm quen với với thất bại.

Tác động của công nghệ trong chuyển đổi số

Các doanh nghiệp hiện tập trung đầu tư vào công nghệ số để tăng năng suất và tốc độ tăng trưởng. Công nghệ ngày càng nhanh và rẻ hơn đưa doanh nghiệp lên cấp độ cao hơn với các mô hình kinh doanh kỹ thuật số tận dụng dữ liệu làm tài sản chiến lược.

Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số: "Thông qua chuyển đổi số, các doanh nghiệp hay tổ chức sẽ đạt được 5 lợi ích lớn là tăng tỷ suất lợi nhuận; tăng năng suất; giảm chi phí, tăng doanh thu từ các sản phẩm, dịch vụ mới; tăng doanh thu từ các sản phẩm, dịch vụ cũ và tăng lòng trung thành khách hàng…

Thách thức của chuyển đổi số

Chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong phát triển Kinh tế số tại Việt Nam hiện nay đang đối mặt với những thách thức lớn, chủ yếu đến từ: sự thiếu hụt nguồn lực; rào cản trong văn hóa doanh nghiệp và sự thiếu hụt các báo cáo, phân tích thông tin, tầm nhìn người lãnh đạo… Khi chuyển sang chuyển đổi số, khung kỹ năng và năng lực của nhân viên sẽ thay đổi để phù hợp cách thức vận hành kinh doanh mới.

Khi nhân lực thiếu hụt các kỹ năng này, mô hình chuyển đổi số sẽ thất bại vì không có nhân lực thực thi. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, đa phần các chủ doanh nghiệp xuất thân từ thế hệ 7X và 8X chưa quen với các công nghệ và quy trình số. Sợ hãi trước những gì mới lạ là bản chất của mọi cá nhân.

Để vượt qua khó khăn này, đòi hỏi các lãnh đạo cần gia tăng tiếp xúc trải nghiệm số hóa các sản phẩm và dịch vụ trong ngành cũng như trong cuộc sống.

Giải pháp cho doanh nghiệp Việt

Tại hội nghị, các chuyên gia kinh tế cùng doanh nghiệp đã bàn bạc và thảo luận để đưa ra các khuyến nghị cho doanh nghiệp phát triển. Đây là những gợi ý giúp thay đổi cách doanh nghiệp vận hành và mang lại giá trị cho khách hàng, bao gồm: Mỗi doanh nghiệp một chữ ký số; Mỗi doanh nghiệp có ít nhất một kết nối Internet; Nhân viên của doanh nghiệp được định danh bởi 1 số điện thoại di động, 1 địa chỉ email (phải đạt trên 80%); Trao đổi thông tin trong doanh nghiệp sử dụng email; Tất cả các nhân viên bán hàng đều sử dụng mạng xã hội để quảng bá thương hiệu, sản phẩm, chăm sóc khách hàng (Facebook, Zalo, Linkedin, Twitter…); Có ít nhất 20% nhân viên biết sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với khách hàng thông qua thư tín.

Hội thảo “Doanh nghiệp số và đổi mới sáng tạo” đã diễn ra thành công tốt đẹp với các đơn vị đồng hành là Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP.

Đổi mới, sáng tạo để tạo ra thay đổi trong sản xuất nông nghiệp
Sáng 11/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã dự và phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Tăng trưởng châu Á 2018, sự kiện quan trọng khởi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư