Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lợi nhuận giảm, Vicem Bỉm Sơn có thể "treo" cổ tức
Thế Hải - 21/08/2014 08:45
 
Trong 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bỉm Sơn (BCC) chỉ đạt 44 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Xi măng Yên Bái ốm yếu, SCIC khó lấy lại tiền
Vinaconex bán hết cổ phần ở Viwapico
Vissai cung cấp xi măng cho dự án đường cao tốc tại Pháp
Thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa HUD, VICEM

Ông Lê Huy Quân, Kế toán trưởng, kiêm người công bố thông tin của BCC cho biết, chi phí tài chính phát sinh quá cao so với cùng kỳ năm ngoái được xác định là nguyên nhân chính ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của BCC. Điều đáng chú ý là, trong khi lợi nhuận giảm, thì doanh thu bán hàng của BCC trong 6 tháng đầu năm lại tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.107 tỷ đồng, trong đó riêng quý II tăng tới 21%.

  Lợi nhuận giảm, Vicem Bỉm Sơn có thể "treo" cổ tức  
  6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bỉm Sơn (BCC) chỉ đạt 44 tỷ đồng  

Nguyên nhân đầu tiên khiến lợi nhuận của BCC bị sụt giảm mạnh là, riêng quý II/2014, chi phí bán hàng tăng tới 64% so với quý II/2013, lên mức 66,1 tỷ đồng (chi phí này cùng kỳ năm 2013 chỉ là 40,4 tỷ đồng). Lũy kế 6 tháng đầu năm 2014, chi phí bán hàng vọt lên mức 136,5 tỷ đồng, tăng 90% so với mức 71,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

“Sở dĩ có tình trạng này là việc phát sinh chi phí vận chuyển cho lượng xi măng và clinker ủy thác xuất khẩu, trong khi cùng kỳ năm trước không có chi phí này”, ông Quân phân tích.

Ngoài ra, một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng ảnh hưởng đến lợi nhuận BCC trong quý 2/2014 là chênh lệch tỷ giá đã khiến chi phí tài chính tăng 9%, lên mức hơn 102,7 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, sự sụt giảm đáng kể lợi nhuận trong nửa đầu năm 2014 cho thấy, ngoài tác động từ việc siết chặt tải trọng của Bộ Giao thông - Vận tải từ ngày 1/4/2014 đến các doanh nghiệp xi măng và BCC không thể là ngoại lệ, thì cách điều hành, quản lý ở các khâu của doanh nghiệp này cũng có những hạn chế nhất định.

Cùng trong bối cảnh khó khăn tương tự, song so với BCC, một số doanh nghiệp thành viên khác cũng thuộc Vicem đã có kết quả kinh doanh khả quan hơn nhiều. Cụ thể, Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Mai đã có cú đảo chiều ngoạn mục, khi doanh thu 6 tháng qua đầu năm đạt 855 tỷ đồng, tăng 113 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 24,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2013 còn âm 23,7 tỷ đồng. Hay Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn còn đạt kết quả kinh doanh đáng ngạc nhiên hơn, với lợi nhuận trước thuế 6 tháng tăng 42,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái còn lỗ 33,3 tỷ đồng.

Ngoài những lý do trên, tính đến hết ngày 30/6, hàng tồn kho của BCC có trị giá tới hơn 510 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thì nợ phải trả vẫn ở mức cao với 4.483 tỷ đồng, chiếm 78% tổng nguồn vốn. Đáng chú ý là, nợ ngắn hạn của BCC cũng ở mức cao là 1.712 tỷ đồng.

Như vậy, với 44 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng qua, BCC mới chỉ hoàn thành 31% kế hoạch lợi nhuận năm 2014. Như vậy, gánh nặng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm đang đè nặng lên vai doanh nghiệp này trong những tháng còn lại của năm 2014.

Ông Ngô Sỹ Túc, Giám đốc BCC cho biết, để cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận của cả năm 2014, Công ty đã chỉ đạo các phòng, ban thực hiện triệt để việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào, tối ưu hóa các quy trình vận hành, kiểm soát công tác phối liệu để nâng cao mác nền clinker, giảm tiêu hao điện năng và nhiệt năng. Đồng thời, kiểm soát, định hướng hoạt động của các nhà phân phối chính, thống nhất giá bán đến từng địa bàn và lợi nhuận cho các nhà phân phối chính, cửa hàng vật liệu xây dựng.

Dù tình hình kinh doanh những tháng cuối năm có cải thiện ở mức nào đi chăng nữa, thì 2014 sẽ tiếp tục là năm mà các cổ đông BCC không được nhận cổ tức do Công ty dành vốn cho hoạt động đầu tư.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư