Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 23 tháng 10 năm 2024,
Long An điểm sáng thu hút vốn FDI
Trúc Giang - 28/03/2013 11:38
 
Với vị trí thuận lợi nằm cạnh TP. HCM, là cầu nối giao thương giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong những năm qua, Long An nổi lên là “điểm sáng” trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả nước.
TIN LIÊN QUAN

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 461 dự án FDI được cấp phép, giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 2,976 tỷ USD. Trong đó, đã có 264 dự án đi vào hoạt động (chiếm 57,3% tổng vốn đăng ký) với số vốn thực hiện là 1,650 tỷ USD (chiếm 55,4% tổng số vốn đăng ký). Long An đang là tỉnh dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long về thu hút vốn FDI.

Các dự án FDI ở Long An đa dạng về ngành, quy mô và trình độ công nghệ. Về cơ cấu đầu tư theo ngành, thì lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 84,4% về số dự án và 87,2% tổng vốn đầu tư đăng ký; nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 9,4% về số dự án và 8,7% về số vốn đầu tư đăng ký, còn lại thuộc lĩnh vực dịch vụ.

Các dự án FDI đã có vai trò trụ cột trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Long An. Nguồn vốn này đã “chuyển hóa” các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước từ vùng đất bạc màu, sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, giá trị sản xuất công nghiệp không đáng kể trở thành vùng trọng điểm sản xuất công nghiệp với tốc độ tăng trưởng GDP đạt gấp 1,3- 1,5 lần so với mức tăng trưởng chung của tỉnh.

Nếu như năm 2000, ngành công nghiệp chỉ đóng góp 30% trong tổng GDP của Long An, thì đến năm 2011, con số này đã là 55%, năng lực sản xuất nghành công nghiệp đã tăng nhanh, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 24%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010, trong đó khu vực có vốn FDI chiếm tỷ trọng 75,7% tổng giá trị sản xuất toàn ngành. Việc thu hút nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp cũng đã tạo điều kiện để phát triển các ngành dịch vụ tài chính, bưu chính viễn thông, cảng, vận tải và các hoạt động kinh doanh tài sản và tư vấn… Nhóm ngành dịch vụ đã tăng trưởng trung bình 13,7% trong giai đoạn 2006 - 2010.

Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI đã thu hút, giải quyết việc làm ngày càng nhiều cho người lao động. Hiện khu vực này đã thu hút được khoảng 55,44% trong tổng số lao động của tỉnh.

Thời gian tới, Long An sẽ đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu đầu tư, tập trung vào các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như công nghiệp chế biến, cơ khí, vật liệu xây dựng… Phấn đấu thu hút nguồn vốn FDI đạt trên 500 triệu USD/năm, vốn thực hiện đạt trên 50% tổng vốn đăng ký hàng năm (3.600- 3.650 tỷ đồng).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư