Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Long An là một điểm đến đầu tư hấp dẫn
Trúc Giang - 04/11/2017 12:35
 
Từ ngày 3 - 5/11/2017, Chương trình giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam - Nhật Bản lần thứ ba sẽ diễn ra tại TP. Cần Thơ. Nhân sự kiện này, ông Nguyễn Văn Được, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về tiềm năng, lợi thế và các lĩnh vực mà tỉnh Long An có nhu cầu mời gọi các nhà đầu tư nói chung, đặc biệt là đối tác Nhật Bản.
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, trong chiến lược xúc tiến đầu tư của tỉnh Long An, các nhà đầu tư Nhật Bản đang được nhìn nhận thế nào?

Long An luôn chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực, bảo đảm môi trường và sử dụng công nghệ tiên tiến.

Đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, với nền tảng là mối quan hệ hợp tác hữu nghị thân thiện giữa hai chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, những nét tương đồng trong văn hóa hai nước, chúng tôi mong muốn xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực với doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản.

Long An đã thu hút được 142 Dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản. Ảnh: An Thuận
Long An đã thu hút được 142 dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản. Ảnh: An Thuận

Thời gian qua, Long An đã tổ chức nhiều đoàn giao lưu, học tập kinh nghiệm và xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản. Nhiều đoàn lãnh đạo chính quyền địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã tới Long An giao lưu, khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. UBND tỉnh Long An và một số tỉnh ở Nhật Bản cũng đã ký kết hợp tác song phương.

Tin vui là đã có thêm nhiều doanh nghiệp Nhật Bản triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Long An.

Cụ thể, kết quả thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào tỉnh Long An thời gian qua ra sao, thưa ông?

Tính đến thời điểm tháng 10/2017, Long An đã thu hút được 863 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký hơn 5,4 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ.

.
.

Trong số này, có 142 dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 500 triệu USD, đứng thứ ba về số dự án và thứ tư về vốn đầu tư.

Các dự án này tập trung chủ yếu tại địa bàn trọng điểm của tỉnh, như Đức Hòa, Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Giuộc..., trong các ngành sản xuất ván gỗ nhân tạo và các sản phẩm từ gỗ, cơ khí - chế tạo máy, sản xuất - lắp ráp linh kiện điện tử, gia công cơ khí, chế biến nông - thủy sản, gia công hàng may mặc, bia...

Theo ông, Long An đang có tiềm năng và lợi thế gì thu hút các nhà đầu tư nói chung, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản?

Long An hội đủ các điều kiện để phát triển kinh tế trên cả 3 lĩnh vực là công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ - đô thị.

Về công nghiệp, hiện nay tỉnh có 28 khu công nghiệp, 32 cụm công nghiệp được bố trí ven ranh giới TP.HCM, trong bán kính từ 30 - 40 km, với tổng diện tích quy hoạch 14.000 ha đất công nghiệp sạch, đã triển khai khoảng 10.000 ha và còn 4.000 ha đã đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh sẵn sàng kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp.

Tỉnh đang tập trung thu hút và có chính sách khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ (gồm cơ khí - chế tạo máy, điện tử - tin học, sản xuất linh kiện, lắp ráp…) nhằm tạo tiền đề đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp bền vững.

Về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nguyên liệu phục vụ phát triển công nghiệp chế biến rộng lớn, diện tích đất sản xuất nông nghiệp là trên 330.000 ha, đất nuôi trồng thủy sản 8.500 ha.

Long An đang xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó, chọn 3 cây trồng (lúa, thanh long, rau), 1 vật nuôi (bò thịt) để kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào các khâu chính (giống, canh tác, sau thu hoạch). Dự kiến đến năm 2020, toàn tỉnh có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên sản phẩm chủ lực của tỉnh: 20.000 ha sản xuất lúa; 2.000 ha thanh long; 2.000 ha rau sạch và 4.000 ha chăn nuôi bò thịt tại huyện Đức Hòa và huyện Đức Huệ.

Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ - đô thị, Long An đang chú trọng đầu tư tuyến đường 830 kết nối các khu, cụm công nghiệp với các cảng quốc tế Long An; hợp tác với TP.HCM mở các tuyến đường kết nối Long An với TP.HCM cũng như trục kết nối tỉnh Tiền Giang - Long An - TP.HCM, để phát triển các đô thị vệ tinh của TP.HCM và dịch vụ logistic gắn liền với cảng.

Nhằm tận dụng, phát huy tốt những lợi thế của tỉnh Long An và định hướng trong thời gian tới, Long An tập trung mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị vệ tinh và dịch vụ hậu cần cảng.

Có thể khẳng định, Long An là một điểm đến đầu tư hấp dẫn với về môi trường chính trị ổn định, môi trường đầu tư thông thoáng và môi trường xã hội lành mạnh, đang trân trọng đón chào các nhà đầu tư.

Long An cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến tìm hiểu để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn, xem thắng lợi và thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư là thắng lợi và thành công của địa phương.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư