Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP cả nước
Tú Ân - 13/05/2024 13:08
 
Thông tin trên được Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) chia sẻ tại Hội thảo “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng”.

Tội phạm mạng gây thiệt hại lớn

Tại Hội thảo “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng” ngày 13/5, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) đánh giá, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quy mô và tốc độ chưa từng có, tạo ra những giá trị to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội song cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đối với mọi quốc gia.

Hoạt động lợi dụng không gian mạng để tiến hành phạm tội, nổi bật là lừa đảo trực tuyến (chiếm 57% tổng số tội phạm mạng) gia tăng cả về phạm vi, quy mô với thủ đoạn tinh vi; triệt để lợi dụng công nghệ mới, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm.

Năm 2023, thiệt hại là 1.026 tỷ USD, tương đương 1,05% GDP toàn cầu. Trên phương diện quốc tế, Liên Hợp quốc và một số tổ chức, cộng đồng quốc tế, khu vực đang thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế, thúc đẩy phối hợp giữa các quốc gia thiết lập các quy tắc chung nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ, phát huy cao nhất thuận lợi.

Trên phương diện quốc gia, hơn 160 nước, trong đó nhiều nước lớn liên tiếp ban hành các chính sách mới nhằm tăng cường bảo vệ dữ liệu, phòng, chống đánh cắp, mã hóa dữ liệu để lừa đảo, đòi tiền chuộc.

Tại Việt Nam, trong năm 2023, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân.

Theo thống kê, trên cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP; trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022. Tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.

A
Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) phát biểu tại Hội thảo

Công ty an ninh mạng Singapore Group-IB công bố vụ tấn công lừa đảo sử dụng 240 tên miền liên kết giả mạo nhằm mạo danh 27 tổ chức tài chính, ngân hàng của Việt Nam để thu thập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng từ năm 2022 đến nay; "chợ đen" mua bán thông tin thẻ tín dụng Biden Cash đã công khai trực tuyến cơ sở dữ liệu miễn phí gồm trên 2 triệu thẻ ghi nợ và tín dụng. Tình trạng mua bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng trên không gian mạng tác động xấu đến uy tín, thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Ông Lương Tam Quang cho biết, qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho thấy: Hoạt động của các đối tượng phạm tội rất chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể.Các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, trú chân tại địa bàn các nước láng giềng lừa đảo, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ đưa người Việt Nam ra nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội.Phương thức, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, sử dụng công nghệ deepfake giả mạo người thân hoặc cơ quan chức năng gọi điện; kêu gọi đầu tư qua các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán.

Đáng chú ý, các đối tượng mà tội phạm lừa đảo qua mạng hướng tới chủ yếu là nhóm người cao tuổi, sinh viên, người lao động có công việc không ổn định, thu nhập thấp, thậm chí cả trẻ em (những người sử dụng điện thoại thông minh có điều kiện tham gia môi trường mạng nhưng khả năng nhận diện các dấu hiệu hành vi lừa đảo còn thấp, dễ bị lợi dụng sự cả tin, lòng tham để thực hiện hành vi lừa đảo).

"Với thực trạng này, việc ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại do lừa đảo qua không gian mạng đang đặt ra rất cấp thiết hiện nay", ông Quang nhấn mạnh.

Bốn trụ cột phòng chống lừa đảo trên không gian mạng

Theo Thượng tướng Lương Tam Quang, thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan, sự tham gia tích cực của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhất là sự chung tay của các doanh nghiệp trong Hiệp hội an ninh mạng quốc gia, phòng, chống lừa đảo qua không gian mạng đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Trong đó, hình thành hành lang pháp lý, tạo cơ sở vững chắc cho đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng nói chung, tội phạm lừa đảo qua mạng nói riêng (Luật An ninh mạng, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân...);

Tuyên truyền về phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, tiếp cận đến nhiều người dân; xóa bỏ SIM “rác”, ngăn chặn các giao dịch, dòng tiền liên quan hành vi phạm tội, rà soát, phát hiện các giao dịch đáng ngờ liên quan hoạt động lừa đảo đang được thúc đẩy; hệ thống trao đổi thông tin cơ sở dữ liệu về tài khoản ngân hàng liên quan đến đối tượng lừa đảo, vi phạm pháp luật đang được xây dựng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, công tác phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng còn nhiều khó khăn: Hành lang pháp lý chưa điều chỉnh theo kịp với các vấn đề mới phát sinh, chưa có quy định cụ thể về nhận diện người dùng Internet dẫn đến khó khăn trong quản lý đối tượng trẻ em, trong khi 1/3 người dùng Internet tại Việt Nam là chưa thành niên, phần lớn không có kỹ năng sử dụng mạng an toàn;

Quy trình xử lý các vụ việc lừa đảo còn tồn tại một số khó khăn, nhất là phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để truy vết dòng tiền lừa đảo mất nhiều thời gian, hiệu quả thu hồi kém; phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến cũng mất nhiều thời gian và hiệu quả chưa cao, thông tin cung cấp chậm và chưa xác định được địa chỉ IP của đối tượng khi dùng mạng qua 3G, 4G.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực an ninh mạng thiếu hụt; vấn đề “SIM rác”, mua bán tài khoản ngân hàng tuy đã được tập trung xử lý, song vẫn còn tràn lan khiến hoạt động điều tra tội phạm gặp nhiều khó khăn (qua rà soát, các kênh bán SIM không chính chủ qua đại lý, các trang thương mại điện tử, trang mạng xã hội vẫn diễn ra phổ biến, dễ dàng tiếp cận mua với số lượng lớn; các kênh chợ đen, Facebook, Telegram, Twitter... buôn bán hàng nghìn tài khoản ngân hàng với giá thấp, dễ tiếp cận từ 200.000 VND).

Hệ thống cơ sở dữ liệu chia sẻ, kết nối thông tin tội phạm vẫn còn bất cập, chưa xây dựng cơ sở chuyên ngành, dữ liệu chưa được chuẩn hóa, các quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu còn thiếu.

Những khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng đặt ra yêu cầu cấp thiết trao đổi, thảo luận thẳng thắn giữa các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, đánh giá toàn diện, làm rõ nguyên nhân, thống nhất xác định giải pháp tháo gỡ triệt để trong thời gian tới.

Thượng tướng Lương Tam Quang cũng nhấn mạnh quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng, trước hết là các tổ chức, cá nhân tham gia hội thảo, đưa ra các giải pháp để phòng ngừa từ sớm, từ xa vấn nạn này.

Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị Hội thảo tập trung đề xuất các giải pháp phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng theo 3 hướng, đồng thời bám sát 4 trụ cột: Trụ cột thứ nhất là phải tham mưu hoàn thiện chính sách. Trụ cột thứ hai là phải định hướng phát triển giải pháp công nghệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng với tổ chức, doanh nghiệp. Trụ cột thứ ba, trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức trong bảo vệ con người, phòng ngừa từ sớm, từ xa đối với lừa đảo qua không gian mạng. Trụ cột thứ tư nâng cao sức đề kháng cho người dân, tổ chức tham gia môi trường mạng để phòng, chống lừa đảo.

Bộ Công an: Nhiều thủ đoạn lừa đảo từ các hội, nhóm chat đầu tư chứng khoán
Bộ Công an đã đưa ra cảnh báo về việc một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat, giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư