Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 08 tháng 10 năm 2024,
Luật Thủ đô 2024 sẽ là bước đệm để lĩnh vực văn hoá - xã hội phát triển
Nguyễn Linh - 17/08/2024 11:37
 
Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Luật Thủ đô 2024 được thông qua, trong đó có nhiều quy định sẽ "mở đường" về quan điểm ở các lĩnh vực cụ thể, trong đó có lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Chủ tịch UBND Thành phố cho biết Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố luôn quan tâm đến các lĩnh vực văn hóa - xã hội bằng những hành động, việc làm cụ thể. Minh chứng là những năm gần đây, kinh tế Hà Nội có bước phát triển vững vàng trên nhiều lĩnh vực, văn hóa xã hội có nhiều khởi sắc, kết quả đó là công sức của nhiều thành phần.

Trong đó, Hà Nội đã đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giáo dục, bao gồm xây dựng và nâng cấp trường học từ mẫu giáo đến đại học, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục bằng cách đổi mới chương trình giảng dạy, đào tạo giáo viên; mở rộng và nâng cấp hệ thống cơ sở y tế; nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; hướng tới việc trở thành một trung tâm thể thao không chỉ ở Việt Nam mà còn trên trường quốc tế...

Điển hình ở lĩnh vực giáo dục, đến tháng 7/2024, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố đạt 79,6% (1.789/2.251 trường). Tuy vậy, trường học công lập còn thiếu do chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt hoặc thiếu quỹ đất (tập trung tại các quận nội đô)...

Ở lĩnh vực y tế, tính đến 20/5, có 488/579 (84,28%) xã, phường, thị trấn đã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia. 15 quận, huyện có 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia. Dù vậy, hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo, chưa rõ ràng, đặc biệt là văn bản về mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa…

Lĩnh vực văn hóa, thể thao, hoạt động quảng cáo ngoài trời diễn ra sôi động. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời ngày càng phức tạp do thành phố có địa giới hành chính với 30 quận, huyện, thị xã.

Cho phép các doanh nghiệp quảng cáo được lắp đặt thêm những màn hình LED mới trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, thủ tục cấp giấy phép xây dựng biển quảng cáo; cho phép các doanh nghiệp quảng cáo được lắp đặt thêm những màn hình LED mới trên địa bàn; việc gia hạn thời gian hoạt động quảng cáo điện tử; việc cấp phép biểu diễn các chương trình nghệ thuật… vẫn còn rào cản.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn của thực tiễn trong đầu tư, hoạt động của lĩnh vực văn hóa, xã hội, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, thời gian tới, UBND Thành phố sẽ quan tâm bằng các cơ chế, chính sách, phân cấp, ủy quyền, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Đồng thời, Chủ tịch UBND Thành phố giao các sở, ngành liên quan phân loại các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, trong đó những vấn đề thuộc thẩm quyền thì giải quyết sớm, cũng như sớm kiến nghị Trung ương những nội dung vượt thẩm quyền để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Thành phố đặt kỳ vọng lớn vào những thay đổi căn bản hơn trong lĩnh vực văn hóa - xã hội. Đồng thời, TP cũng kiến nghị với Chính phủ những vấn đề cụ thể như có cơ chế PPP (hợp tác công tư) để giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư trong văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, du lịch để doanh nghiệp phát triển.

"Thành phố luôn trân trọng và đánh giá cao vai trò, đóng góp, sự nỗ lực và tinh thần yêu ngành, yêu nghề của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Từ đó xác định được trách nhiệm của thành phố với các doanh nghiệp ngày càng lớn hơn, mặc dù Thành phố đã có nhiều cố gắng trong tăng cường kỷ luật kỷ cương, thay đổi cách nghĩ cách làm, đổi mới hiện đại hóa quy trình thủ tục hành chính.", Chủ tịch UBND Thành phố nói.

Hà Nội sẽ sớm đưa Luật Thủ đô 2024 vào thực tiễn
Tại Hội nghị giao ban Thường trực HĐND Thành phố với Thường trực HĐND quận, huyện, thị xã quý II/2024, Thường trực HĐND Thành phố đã quán...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư