Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Lương công chức theo vị trí: Hay nhưng không dễ
Phan Long - 31/05/2013 13:59
 
Trả lương theo vị trí việc làm có thể đảm bảo công bằng, nhưng áp dụng lại không dễ bởi rào cản ngân sách và khó khăn trong việc xây dựng vị trí việc làm.
TIN LIÊN QUAN
Cơ chế tiền lương cho cán bộ, công chức còn bất cập

Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đang xây dựng một Đề án trả lương công chức theo vị trí việc làm, với mục đích cải thiện cơ chế tiền lương đang bất cập của cán bộ công chức, viên chức.

Đây là phương pháp tính được cho khá khoa học, đảm bảo sự công bằng, trả lương theo đúng sức lao động của công chức và góp phần tinh giản bộ máy biên chế ngày càng “phình” to hiện nay. Phương pháp đúng, nhưng có thể áp dụng mô hình này vào thực tế hay không và khi nào lại là một việc hoàn toàn không đơn giản bởi nhiều trở ngại.

Ông Đào Việt Dũng, Chuyên gia cao cấp về Quản lý khu vực công của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, xác định vị trí việc làm của công chức là nền tảng của việc cải cách công vụ, đảm bảo nền hành chính tiên tiến. Ở đó, yêu công việc của mỗi công chức đảm nhiệm một ví trí đã được phân định rõ ràng với đòi hỏi trình độ phù hợp.

Đồng quan điểm, nguyên Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết thêm: “Cách làm này sẽ khiến việc trả lương đúng người, đúng mức độ hoàn thành công việc thay vì tăng lương theo thâm niên”. Ngoài ra, những vị trí bổ trợ, giúp việc muốn được vào những chức vụ cao hơn, chức vụ lãnh đạo đều phải trải qua thi tuyển, thay vì kiểu “sống lâu lên lão làng” như hiện nay.

Việc này sẽ động viên những công chức trẻ tích cực học tập, phấn đấu để nâng cao trình độ. Đây là ý tưởng quan trọng nhất trong việc tính tiền lương theo vị trí việc làm.

Trở lại với Đề án của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, để làm căn cứ tính lương, đề án của Viện này chia các chức danh trong khu vực hành chính công thành nhiều dạng, ngạch: Bậc chức danh thừa hành (nhân viên và trợ lý); chức danh chuyên môn (gồm 5 ngạch: chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, chuyên gia, chuyên gia trưởng); chức danh chức vụ lãnh đạo (gồm 5 ngạch: phó trưởng phòng, trưởng phòng, phú vụ trưởng, vụ trưởng và thứ trưởng).

Tuy nhiên, để xác định được vị trí việc làm của tất cả các cơ quan hành chính nhà nước là việc không hề đơn giản. Thực tế, từ năm 2008, với sự tài trợ của ADB, Bộ Nội vụ cũng đã thí điểm việc hỗ trợ cải cách chế độ công vụ, công chức ở một số bộ, ngành, địa phương, trong đó bao gồm cả việc xây dựng vị trí việc làm. Quá trình triển khai đã nảy sinh không ít khó khăn, vướng mắc.

Theo Tiến sỹ Tạ Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài nguyên – Môi trường), trên thực tế hầu hết các đơn vị trong Bộ đều có bản phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng công chức, nhưng vẫn mang tính bình quân, chưa phân định rõ nhiệm vụ theo mức độ quan trọng, chưa thống nhất trong việc phân chia đối tượng quản lý.

Ở mỗi vị trí việc làm, quá trình xác định thời gian cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ, xác định tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc hết sức khó khăn, đặc biệt là với những đơn vị quản lý, hoặc các đơn vị sự nghiệp chưa hoàn thiện về định mức kinh tế kỹ thuật, định mức lao động. Vì vậy, thiếu cơ sở để xác định số người cần thiết tại mỗi vị trí việc làm, trên cơ sở đó xác định số người cần thiết tại mỗi vị trí việc làm, tính định biên của đơn vị...

Ở góc độ khác, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, với cách phân chia chức danh của Đề án có thể chưa đảm bảo công bằng. “Tiêu chuẩn của một trưởng phòng cấp huyện cũng tương đương tiêu chuẩn của một trưởng phòng đơn vị cấp bộ, trong khi yêu cầu công việc ở hai vị trí có sự chênh lệch khá lớn là không hợp lý”.

Về mức lương cụ thể, tính toán dựa trên số mức sống tối thiểu có tính đến nhu cầu liệu năm 2013, Đề án đề xuất phương án mức lương thấp nhất áp dụng cho năm 2013-2015 là 2,42 triệu đồng/tháng, với hai phương án lương thấp nhất – lương trung bình – lương tối đa lần lượt là 1-3,0-15 và 1-2,34-13.

Cách tính này chính là trở ngại lớn nhất khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ về khả năng áp dụng vào thực tiễn của Đề án. Bởi thực tế, chỉ để tăng thêm 100.000 đồng/tháng so với mức lương tối thiểu 1,05 triệu đồng đang áp dụng hiện nay, Chính phủ đã phải “nâng lên đặt xuống nhiều lần” vì ngân sách đã phải chi thêm gần 22.000 tỷ đồng. Liệu với mức lương thấp nhất cao gấp hơn hai lần lương tối thiểu hiện tại, ngân sách sẽ lấy ở đâu ra?!

Thực hiện xác định vị trí việc làm và làm quết liệt việc thi tuyển, sát hạch công chức hàng năm theo nguyên tắc thực tài, theo nguyên Bộ trưởng Trần Văn Tuấn là giải pháp cần thiết để tinh giản bộ máy biên chế cồng kềnh. Khi đó, số định biên công chức, viên chức của một cơ quan không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của lãnh đạo đơn vị, mà phụ thuộc một cách khoa học vào sự tính các vị trí việc làm.

Bên cạnh đó, muốn tăng nguồn ngân sách trả lương, Chính phủ phải chỉ đạo kinh tế vĩ mô duy trì mức tăng trưởng tốt.

Thế nhưng, trên thực tế, sau 4 năm thực hiện tinh giản biên chế, bộ máy công chức thậm chí còn tăng thêm tới hơn 20%. Còn kinh tế vĩ mô, việc đảm bảo tăng trưởng không phụ thuộc hoàn toàn vào ý muốn chủ quan của Chính phủ, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay. Thế nên, việc nhiều ý kiến nghi ngờ khả năng áp dụng vào thực tế của Đề án tính lương theo vị trí việc làm cũng là điều dễ hiểu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư